Phát triển nông sản VietGAP - Tăng cường kết nối

Cung - cầu chưa gặp nhau 
Phát triển nông sản VietGAP - Tăng cường kết nối

Theo khảo sát của Sở Công thương TPHCM, chỉ riêng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như Saigon Co.op, Metro, Big C, Vinatex, Satra, Lotte Mart, B’s Mart… lượng rau quả các loại được tiêu thụ hơn 217,5 tấn/ngày, trong đó có 98,6 tấn rau quả VietGAP. Thế nhưng, rau VietGAP do TPHCM sản xuất chỉ chiếm 1/3 rau ăn lá và 1/10 rau ăn quả/ngày.

Chăm sóc bí trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Chăm sóc bí trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn. Ảnh: Phạm Cao Minh

Cung - cầu chưa gặp nhau 

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, khu vực ngoại thành và quận ven mỗi năm cung cấp gần 300.000 tấn rau quả an toàn các loại trong tổng số nhu cầu trên 800.000 tấn/năm của TP. Nhưng với rau VietGAP, đòi hỏi tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn so với rau an toàn, việc sản xuất chủ yếu tập trung ở các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Nhưng chỉ một số diện tích được các HTX, tổ hợp tác sản xuất đạt chứng nhận VietGAP.

Lý do, đầu ra hạn chế và giá thành rau VietGAP cao hơn so với sản xuất 5% - 10%. Các HTX sản xuất để cung ứng cho siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, xuất ăn công nghiệp, nhà trường… theo hợp đồng. Con số này khoảng 60 tấn/ngày, chiếm 65,6% lượng rau VietGAP sản xuất.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, sản xuất ở ngoại thành có nhiều lợi thế như được TP tạo điều kiện sản xuất, vận chuyển ngắn… nhưng rau quả đạt chuẩn VietGAP chỉ chiếm khoảng 30% trong số khoảng 4.000 tấn (80 tỷ đồng) mỗi tháng mà hệ thống Co.op Mart tiêu thụ. Chỉ có 10 tổ chức, HTX TP cung ứng 30 trong số trên dưới 300 mặt hàng rau quả và trái cây các loại được bày bán. Như vậy, sự phong phú, đa dạng chủng loại mặt hàng ở ngoại thành chưa cao. Tất nhiên do thời tiết, thổ nhưỡng nên một số mặt hàng không trồng được tại TP.

Nhưng đáng lưu ý việc sản xuất VietGAP tại TPHCM mới là chuẩn thấp (chưa phải là GlobalGAP hay sản xuất theo hướng hữu cơ (organic)) mà vẫn có HTX khẳng định không sản xuất được. Trong khi đó, các nhà vườn ở Lâm Đồng khi sản xuất đều phải đạt chuẩn này.

Bà Bùi Hạnh Thu cho rằng, kênh phân phối hiện đại rất quan tâm đến nông sản VietGAP, Saigon Co.op cũng cam kết hỗ trợ để có giá tốt nhất. Chương trình bình ổn TP cũng nên tạo điều kiện hỗ trợ để tác động đến việc sản xuất theo chuẩn VietGAP.

Kết nối

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt (Củ Chi), các siêu thị thường “than” không đủ chủng loại, số lượng, nhưng lượng rau VietGAP HTX sản xuất luôn dư so với các đơn hàng nên HTX phải tìm nhiều kênh tiêu thụ khác. Tương tự, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong Nguyễn Hữu Chí cho biết, là HTX đi đầu nuôi heo VietGAP, đã 7 năm nay, phải đầu tư từ chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình, nhưng vẫn chưa thể vào các hệ thống phân phối chính thức. Nếu tình trạng này kéo dài e rằng không ai nuôi theo hướng này nữa. Mong muốn HTX là có nơi giới thiệu cho người tiêu dùng (NTD) biết thịt heo an toàn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm rất nhạy cảm. Vì vậy, sở ngành hỗ trợ đơn vị tổ sản xuất VietGAP có chứng nhận để NTD an tâm và người sản xuất cũng an tâm khi có nơi tiêu thụ ổn định.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đặc trưng của nông sản là sáng tươi, chiều héo. Những năm qua, nhóm hàng này trở thành mặt hàng bình ổn thị trường, chủng loại ngày càng đa dạng, số lượng ngày càng lớn. Thời gian gần đây nhu cầu NTD có sự thay đổi rõ nét khi lượng rau quả ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong bữa ăn các gia đình.

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, vùng ngoại thành có đủ nguồn lực, kỹ thuật, vốn và đất đai để sản xuất. Các kênh tiêu thụ mà Sở Công thương khảo sát cũng cho thấy nhu cầu ngày càng gia tăng của NTD về nông sản VietGAP. Dự báo, lượng tiêu thụ mặt hàng rau VietGAP năm 2014 vào khoảng 137 tấn/ngày, tăng 39% so với nhu cầu hiện tại. Năm 2020 con số này khoảng 962 tấn/ngày, tăng 875% so với nhu cầu hiện nay. Những trục trặc hiện nay là do thiếu sự kết nối.

Vì vậy, vai trò của nhà nước là “se duyên” để 2 bên gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng cung ứng và tiêu thụ nông sản VietGAP và tiếp tục theo dõi để tháo gỡ khi gặp vướng mắc. Việc giá thành cao hơn 5% - 10% không là khó khăn khi nhu cầu NTD dùng ngày càng nhận thấy an toàn thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, phải làm sao để NTD có thể phân biệt và nhận biết đâu là nông sản VietGAP.

Điều này cũng có nghĩa, nhà cung ứng phải chuyển đổi tập quán sản xuất để đáp ứng yêu cầu NTD. Bên cạnh đó, các sở - ngành không dừng lại kết nối với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mà cần phải mở rộng ra các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, nhà trường, bệnh viện. Nhà cung ứng nông sản xem lại hướng sản xuất, không thể “ăn xổi”. Nhu cầu đã chuyển đổi, sản phẩm không sạch, ảnh hưởng sức khỏe chắc chắn NTD không chấp nhận. Vì vậy nhà cung cấp cũng phải chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu NTD để đầu ra ổn định.

Sản xuất theo VietGAP không quá khó hay phức tạp đến mức không làm được. Điều quan trọng là phải chuyển đổi nhận thức, sản xuất theo hướng sạch, an toàn mà thị trường đòi hỏi.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục