Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu

Ngày 13-2 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì buổi phê duyệt nội dung triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Sở Công thương TPHCM. Tham dự còn có đại diện các sở, ngành chức năng của TPHCM. 
Chế biến thực phẩm cung ứng bình ổn thị trường tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến thực phẩm cung ứng bình ổn thị trường tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Ảnh: CAO THĂNG

Bán buôn và bán lẻ chiếm 18% GRDP 

Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, năm 2018 ngành công thương TP có giá trị gia tăng ước đạt 488.505 tỷ đồng (giá thực tế), chiếm 36,69% GRDP của TPHCM; trong đó, công nghiệp chiếm 18,63%, thương nghiệp bán buôn và bán lẻ chiếm 18,06%. 

Trong kết quả tăng trưởng kinh tế TPHCM đạt 8,3% năm 2018, ngành công thương đóng góp khoảng 2,74 điểm phần trăm, công nghiệp đóng góp tăng 1,57% và thương mại đóng góp tăng 1,17%. So với các chỉ tiêu được giao, ngành công thương đã hoàn thành các chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13% (chỉ tiêu giao tăng 10%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,15% (chỉ tiêu giao 8% - 8,5%), 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 9,25% (chỉ tiêu phấn đấu tăng 8,2% - 8,5%, gấp 1,16% lần mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp). Riêng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu cả nước tăng 7,5%, nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 35,8 tỷ USD, tăng 10,1%. 

Về các chỉ tiêu tăng trưởng đạt được so với kế hoạch TP giao thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng cao nhất. Theo phân tích của Sở Công thương TPHCM, động lực phát triển thị trường bán lẻ đến từ 2 yếu tố cốt lõi, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung luôn giữ được ở mức cao. Tình hình thị trường trong nước đang trên đà tăng trưởng tốt so với năm 2017; qua đó góp phần bù đắp sự tăng trưởng chưa bền vững của thị trường xuất khẩu do những biến động khó lường của thương mại quốc tế, đồng thời tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp (DN) sản xuất những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. 

Thị trường bán lẻ trên địa bàn TPHCM ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của TPHCM chiếm tới 18% quy mô kinh tế (GRDP) theo giá thực tế. Theo quy hoạch, đến năm 2020, trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị sẽ chiếm tối thiểu 40% tổng mức bán lẻ của TP, năm 2025 là 50% và năm 2030 là 60%. 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ đang tạo cơ hội lớn cho các DN sản xuất kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Kết thúc năm 2018, TPHCM đã phát triển được 239 chợ, 203 siêu thị, 46 TTTM và 2.279 cửa hàng tiện lợi (tăng 3 TTTM và 507 cửa hàng tiện lợi so với thời điểm cuối năm 2017); trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế với số lượng điểm bán đạt 149/203 siêu thị (tỷ trọng 73%). Năm 2018 là mốc đánh dấu quan trọng qua việc lần đầu tiên các hệ thống TTTM trong nước chiếm ưu thế về số lượng điểm bán đạt 26/46 TTTM (chiếm 57%). Các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao (trên 66%). 

Ngành bán lẻ cũng đang trải qua quá trình biến chuyển cùng mua sắm trực tuyến. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy mua sắm trực tuyến mạnh mẽ khi các bộ trưởng kinh tế đến từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 12-11-2018 vừa qua đã ký thỏa thuận tạo điều kiện cho các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực. Thỏa thuận được đưa ra sau 9 vòng đàm phán, bắt đầu từ tháng 6-2017, là thỏa thuận đầu tiên của các nước ASEAN về thương mại điện tử nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN để thúc đẩy sử dụng thương mại điện tử như một phương pháp tăng trưởng kinh tế khu vực.

Tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp
 
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết năm 2019 mục tiêu tổng quát của ngành là thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Hoàn thành đúng tiến độ các dự án lớn, dự án trọng điểm ngành công nghiệp. Chú trọng phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu, vận dụng phù hợp các quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân trong nước; phát triển thị trường nội địa; tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu các tác động bất lợi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. 

Về các chỉ tiêu cơ bản, ngành công thương TPHCM phấn đấu đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng từ 8,1% - 8,3% so với năm 2018, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 9,1%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu, trừ dầu thô, qua cửa khẩu cả nước tăng 11%; chuẩn bị tốt nguồn hàng, tổ chức cung ứng hợp lý, kịp thời, góp phần kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng giá cả nước. 

Theo ông Phạm Thành Kiên, để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, năm 2019, Sở Công thương TPHCM đã ban hành 6 kế hoạch triển khai các công việc, tập trung vào 4 giải pháp chính, gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN; nhóm giải pháp về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; nhóm giải pháp về bình ổn và phát triển thị trường và nhóm các giải pháp khác.  

Cụ thể, năm 2019, Sở Công thương sẽ tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn về từng chuyên đề, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Tổ chức các buổi làm việc của lãnh đạo TPHCM với các DN lớn, nhất là các DN thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó mỗi đồng chí lãnh đạo TP sẽ gặp ít nhất 2 DN/năm. Ban giám đốc sở tiến hành tiếp xúc 4 DN/tháng, các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở tiếp xúc 10 DN/tháng nhằm nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ cho DN. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với DN, dự kiến tổ chức vào tháng 3-2019 sắp tới. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 16 của HĐND TPHCM quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. 

Phối hợp với Cục Thống kê TPHCM tổ chức khảo sát 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, qua đó tập trung các chính sách hỗ trợ về cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, mặt bằng, đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phấn đấu 70% hồ sơ được giải quyết theo cấp độ 4 (hiện nay tại sở có 55/107 thủ tục hành chính được nâng lên cấp độ 4, đạt 51,4%). Mở rộng việc đánh giá sự hài lòng cũng như góp ý của DN qua ứng dụng trên thiết bị thông minh… 

Theo TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trong năm 2019, các nội dung hoạt động của ngành công thương đều đã bám sát các vấn đề quan trọng của TP. Nếu triển khai triệt để các nội dung này sẽ mang lại hiệu quả và đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của TP. 

Góp ý thêm các giải pháp cho ngành công thương, TS Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện thị trường bán lẻ, bán buôn của TP và cả nước phát triển rất nhanh và đa dạng, trong khi việc gắn kết với sản xuất, đặc biệt là các hộ nông dân chưa tốt nên chưa tạo đầu ra bền vững cho sản xuất, dẫn đến đời sống của nông dân chưa cao. Bên cạnh đó, các dịch vụ về tài chính, tổ chức tài chính, bảo hiểm cũng phát triển mạnh, do vậy trong quá trình điều hành cần có sự phối hợp tốt hơn giữa Sở Công thương và các sở, ngành khác để tạo ra một thị trường vốn đa dạng, có sự hỗ trợ tích cực từ dịch vụ về bảo hiểm, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho các DN khi có nhu cầu vay vốn. Loại hình logistics cũng đẩy mạnh hơn để kết nối giữa sản xuất và phân phối phát triển bền vững. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, mong muốn trong năm 2019, ngành công thương và ngành du lịch TPHCM tiếp tục có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động nhằm tạo thêm các điểm tham quan, mua sắm cho du khách. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ băn khoăn, hiện TPHCM đã xác định các sản phẩm chủ lực nhưng lại rất khó tìm được sản phẩm mang tính đặc trưng của TP. Nguyên nhân chính là chi phí mặt bằng tại TPHCM ngày càng đắt đỏ, các DN đã chuyển hướng sản xuất sang các tỉnh, thành khác nên cần phải có giải pháp thiết thực hơn để hỗ trợ DN. Việc triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa cũng cần có chiến lược thực hiện theo định kỳ và dài hơi hơn để kích thích du lịch nội địa phát triển….
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao vị trí, vai trò của ngành công thương trong việc triển khai, thực hiện các chương trình chủ lực của TPHCM, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP, thể hiện qua việc đóng góp tới 36,69% GRDP của TPHCM. 
Về kế hoạch năm 2019, đồng chí Lê Thanh Liêm cơ bản thống nhất các chỉ tiêu, phương hướng hoạt động và các nhóm giải pháp của ngành đề ra. Tuy nhiên, năm 2019, TPHCM đặt chỉ tiêu GRDP tăng từ 8,3% - 8,5%, đây cũng là năm bản lề trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, giai đoạn 2016-2020. Do vậy, để thực hiện tốt, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu ngành công thương cần rà soát kỹ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành và chưa hoàn thành trong giai đoạn này, có phân tích, đánh giá cụ thể, từ đó tiếp tục triển khai thực hiện. Tiếp tục cơ cấu bộ máy hoạt động theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ, hiệu quả. Cần đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực hành chính để nâng mức độ hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện. 
Để chuẩn bị cho hội nghị gặp gỡ và đối thoại với DN vào tháng 3 sắp tới, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu sở phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM rà soát lại những kiến nghị mà DN đã đặt ra trong năm 2018, cũng như những cơ chế, chính sách đã đưa ra có đi vào cuộc sống hay chưa, từ đó hoạch định những chính sách hỗ trợ mới cho DN trong năm 2019. Trong quá trình làm việc, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, ban giám đốc sở báo cáo ngay cho lãnh đạo UBND TP để tìm biện pháp giải quyết nhanh nhất trên tinh thần tập trung toàn lực hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Với những đề án, chương trình trọng điểm của ngành như Quy hoạch ngành thương mại TPHCM đã được phê duyệt, Sở Công thương cần nhanh chóng triển khai các đề án trong lĩnh vực xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và bán buôn - bán lẻ để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, tạo thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư cũng như du khách khi đến với TPHCM.

Tin cùng chuyên mục