Phát triển tài năng công nghệ

Nhật Bản có kế hoạch xây dựng các chương trình phát triển tài năng liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp, học thuật trên cả nước nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn và pin trong nước. 
Phát triển tài năng công nghệ

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các chương trình trên, dựa trên nền tảng đã được xây dựng tại vùng Kyushu, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ quan trọng trong kỷ nguyên số hóa và phi carbon, giữa bối cảnh nhu cầu về các lao động lành nghề đang gia tăng trên thế giới. 

Để thực hiện, một công ty liên doanh sản xuất chip do công ty sản xuất bán dẫn TSMC của lãnh thổ Đài Loan phối hợp với tập đoàn Sony của Nhật Bản cùng với Đại học Kyushu và chính quyền địa phương thuộc 7 tỉnh trên đảo Kyushu đã được thành lập. Đây là một trong số các công ty tham gia chương trình này. Chính phủ Nhật Bản cũng thiết lập một chương trình trợ cấp nhằm hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất mới với nhà máy của TSMC ở tỉnh Kumamoto sẽ là đơn vị đầu tiên hưởng trợ cấp. Dự kiến, các lô hàng đầu tiên được xuất xưởng từ tháng 12-2024.

Vùng Kinki cũng đang hướng đến phát triển tài năng trong lĩnh vực sản xuất pin, vốn rất cần để đáp ứng nhu cầu xe điện. Dự kiến, tập đoàn Panasonic sẽ tham gia chương trình. Các chương trình ở vùng Tohoku và Chugoku tập trung vào việc đào tạo nhân lực liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, trong khi vùng Kanto quanh thủ đô Tokyo và vùng Chubu ở miền Trung sẽ hướng đến AI và các công nghệ kỹ thuật số khác. Văn phòng của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại từng vùng sẽ giám sát hoạt động phát triển của chương trình, tùy thuộc vào nhu cầu của từng công ty. 

Việc Chính phủ Nhật Bản xây dựng chương trình phát triển tài năng mới đang nhận được nhiều phản ứng tích cực. Theo báo Nikkei, mặc dù Nhật Bản có lượng kỹ sư công nghệ thông tin (IT) nhiều thứ 4 trên thế giới nhưng nước này lại đi sau các quốc gia khác trong việc nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Với rất ít sinh viên tốt nghiệp có bằng STEM (viết tắt của ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), việc xác định kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực công nghệ thông minh là một bước phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghệ.

Tin cùng chuyên mục