Phát triển thủy lợi ở ĐBSCL theo hướng tự động hóa

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và năm 2100, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi tự động hóa vận hành, bảo đảm an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. 

Ngày 18-7, Bộ NN-PTNT cho biết, theo đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và năm 2100, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi tự động hóa vận hành, bảo đảm an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

 Phát triển thủy lợi ở ĐBSCL theo hướng tự động hóa ảnh 1 Hệ thống thủy lợi còn hạn chế, nhiều kênh mương ở ĐBSCL bị cạn kiệt trong mùa khô, gây khó cho sản xuất nông nghiệp 

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 tập trung tổ chức, kiện toàn, thành lập các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đúng quy định của Luật Thủy lợi. Đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi lớn để kiểm soát mặn, nguồn nước, phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến năm 2030, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững tại các tiểu vùng sinh thái. Đến năm 2050, phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại, thông minh; chủ động phòng chống thiên tai như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu… Năm 2100, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL được tự động hóa vận hành, đảm bảo an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

 Phát triển thủy lợi ở ĐBSCL theo hướng tự động hóa ảnh 2 Hệ thống trạm bơm ở Tiền Giang bị kiệt nước trong mùa khô hạn năm 2020 

Quan điểm chung là hiện đại hóa hệ thống thủy lợi làm cơ sở để cơ cấu lại nông nghiệp nhằm phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đa dạng (thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo), ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phải dựa trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên với môi trường, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, mặn và lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, hiện đại hóa thủy lợi cũng gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai...

 Phát triển thủy lợi ở ĐBSCL theo hướng tự động hóa ảnh 3 Nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng ở Sóc Trăng 

Giai đoạn thực hiện, từ nay đến năm 2025, khảo sát hiện trạng hạ tầng các hệ thống thủy lợi để phục vụ cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Xây dựng hệ thống giám sát tự động về độ mặn, nguồn nước, chất lượng nước; cải tạo và sữa chửa, nâng cấp hệ thống cống, nâng cấp đê, bờ bao cho vùng cây ăn trái; nâng cấp công trình cấp nước cho vùng nuôi thủy sản…

Từ năm 2026- 2030, hoàn thiện thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản và vùng ngọt hóa; khép kín, hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao và công trình nội đồng, công trình kiểm soát, chuyển nước liên vùng.

Giai đoạn 2031 – 2050, phát huy hiệu quả các dự án được thực hiện trước đó; đồng thời điều chỉnh phù hợp yêu cầu phát triển nội vùng, tác động của biến đổi khí hậu; đầu tư tự động hóa vận hành các công trình thủy lợi khép kín, công trình kiểm soát lũ, kiểm soát mặn…

Sau năm 2050, kế thừa và phát huy kết quả từ các giai đoạn trước; tiếp tục hiện đại hóa thủy lợi theo chiều sâu, bảo đảm phục vụ và phát triển hàng hóa chất lượng cao…

Về nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. 

Tin cùng chuyên mục