Nội các Ấn Độ đang sôi sục vì vấn đề phát triển kinh tế tại nước này. Mâu thuẫn nảy sinh khi một bên xác định đưa kinh tế Ấn Độ đi lên bằng mọi giá và một bên quyết tâm phát triển kinh tế bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Jairam Ramesh, phản đối mạnh mẽ quan điểm “đi lên bằng mọi giá”. Cuối tuần trước, Bộ Công nghiệp Ấn Độ đề đạt với chính phủ nước này cho phép được khai thác 203 mỏ than với tổng trữ lượng lên đến 660 triệu tấn.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Ấn Độ, Sriprakash Jaiswal, đây là dự án cần thiết cho nền kinh tế phát triển như vũ bão của Ấn Độ bởi than chiếm 70% nguồn cung năng lượng tại nước này. Tuy nhiên, ông Ramesh lập tức phản đối dự án trên. Gần 2 triệu ha rừng sẽ bị phá bỏ nếu dự án trên được chính phủ thông qua. Mặc dù Bộ Công nghiệp khẳng định có thể tái gây rừng sau 20 năm nữa khi hoạt động khai thác chấm dứt, ông Ramesh vẫn cương quyết bảo lưu ý kiến bởi “không muốn mạo hiểm với lá phổi của Ấn Độ”.
Trước dự án khai thác than, ông Ramesh còn khước từ dự án xây đường cao tốc đi qua một khu bảo tồn hồ; dự án khai thác bauxite trị giá 7 tỷ USD tại bang miền Đông Orissa; dự án xây một TP trị giá 9 tỷ USD tại bang miền Tây Maharashtra do phạm luật môi trường...
Ông Ramesh còn cho lập các tòa án xử lý các vụ kiện tụng liên quan đến môi trường. Chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững lâu dài, ông Ramesh bị phe đối lập gán cho những cái tên đầy tính châm chọc: ông bảo thủ, ông ngáng đường, ông nói không...
Là thành viên của khối BRIC, nhóm tứ đại gia có nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ đạt được không ít thành tựu về phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Nhưng đổi lại, môi trường sống tại Ấn Độ đang đặt ở mức báo động. Trong top 10 TP bị xem là ô nhiễm nhất thế giới năm 2010, Ấn Độ góp 2 cái tên là New Delhi và Mumbai.
Tại New Delhi, mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện giao thông mới xuất hiện cộng với 3.000 tấn khí thải từ các nhà máy, người dân TP này đang phải sống trong bầu không khí vô cùng độc hại. Còn tại Mumbai, người ta ước tính phải mất khoảng 1 tỷ USD để giải quyết cơ bản ô nhiễm tại TP đây.
Không chỉ có các TP lớn, những bang như Orissa-nơi tập trung các hoạt động khai thác mỏ-cũng phải đối mặt với thảm họa môi trường khi rừng bị chặt phá, nguồn nước ô nhiễm...
Ông Ramesh khẳng định ông không hề ngăn cản phát triển kinh tế nhưng phát triển kinh tế như thế nào là rất quan trọng. “Không hề có sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Không thể có chuyện vừa tung hô luật môi trường đúng đắn để rồi sau đó vượt rào, lách luật. Mọi sự phát triển phải gắn liền với an toàn cho môi trường”, ông Ramesh nói.
Từ câu chuyện của Ấn Độ, có thể thấy hoạch định kinh tế quyết định sự sống còn của mỗi quốc gia. Phát triển kinh tế để các thế hệ mai sau được hưởng phúc hay gánh chịu những hậu quả đau thương từ thế hệ đi trước thực sự đòi hỏi người lãnh đạo phải có tâm và tầm.
ĐỖ VĂN