30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trong hơn 10 năm - từ những năm 2010 trở về trước, ông Trần Thành Long có những đóng góp nhất định trong tổ chức các phong trào quần chúng ở TPHCM, trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Qua các phong trào đã xuất hiện những giá trị văn hóa mang đặc trưng của người dân TPHCM - tính nhân văn, nghĩa tình - mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X vừa được thông qua đã đề cập.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng quà cho bà con khu phố 2, phường 10, quận 5 trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2014. Ảnh: Việt Dũng
Phát triển giá trị nhân văn vì cộng đồng
Trước khi đề cập đến nhận thức về khái niệm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, ông Trần Thành Long đi ngay vào thực tiễn những việc làm nghĩa tình vì cộng đồng của TPHCM khởi phát từ tháng 10-1991, mở đầu công cuộc xóa đói giảm nghèo. Lúc đầu chỉ với những hình thức đơn lẻ, nhưng ngay sau đó đã tạo thành phong trào rộng khắp, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Đầu tiên là mô hình vận động tương trợ giúp đỡ hộ nghèo vượt khó tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội (huyện Củ Chi). Sau đó, mô hình này nhanh chóng lan rộng ra 21 xã, thị trấn của huyện Củ Chi, rồi phát triển thành phong trào đến các xã của huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh… Cách làm của các địa phương này đều xuất phát từ ý nghĩa “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Ở mỗi địa bàn dân cư, người dân tự nguyện góp công, góp cây, lá dựng lại ngôi nhà cho những gia đình có khó khăn về nhà ở; giúp nhau con cá giống, gà giống, heo giống rồi chỉ cách nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống; vần đổi công gieo trồng, xạ lúa, thu hoạch, cho mượn ruộng cấy lúa… Tiến thêm bước nữa của cách làm nghĩa tình này là sự ra đời của hàng trăm “Tổ tự quản xóa đói giảm nghèo”, hoạt động dựa trên sự quản lý trực tiếp của các hộ nghèo ở từng tổ dân phố, tổ nhân dân. Mỗi hộ đều có trách nhiệm với nhau bàn bạc cách sản xuất, cách làm ăn, giúp vay vốn, thu hồi vốn, lãi và vận động tiết kiệm… Từ quy mô nhỏ, phương thức và mô hình xóa nghèo được nâng lên từng năm với những cách làm huy động được mọi nguồn lực xã hội tham gia. Trong hơn 20 năm, TPHCM đã trải qua 3 giai đoạn thực hiện xóa đói giảm nghèo (1992-2003; 2004-2008 và 2009-2013), đã giúp cho hàng trăm ngàn hộ dân thoát nghèo. Từ con số 17% hộ nghèo năm 1992, đến năm 1995 không còn đói, hộ nghèo giảm xuống 13% và đến năm 2003 kết thúc giai đoạn 1, số hộ nghèo chỉ còn 0,15%. Có thể nói, ở giai đoạn này, phong trào đã có sức mạnh to lớn với tinh thần cả xã hội cùng lo cho người nghèo; mỗi đơn vị, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, mỗi khu dân cư đăng ký một việc làm thiết thực lo cho người nghèo. Hiệu quả của những cách làm này, như ông Trần Thành Long khẳng định, nó không chỉ ở những con số thoát nghèo, mà lớn hơn đó là một giá trị văn hóa mới mang tính nhân văn, đại diện cho một tính cách, đặc trưng mới trong con người Việt Nam có lối sống nghĩa tình, hết lòng hết sức vì cộng đồng, vì một xã hội tốt đẹp theo chuẩn mực của con người mới XHCN…
Định hình giá trị văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa
Đảng ta nhận định, qua 30 năm đổi mới, lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người đã đạt được những kết quả quan trọng. Những tiến bộ trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; sự khởi sắc trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thông đại chúng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; sự tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở…, làm cho đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, bầu không khí xã hội dân chủ, cởi mở hơn; dân trí được nâng cao; con người Việt Nam năng động, sáng tạo hơn, tính tích cực cá nhân và xã hội được phát huy; những nhân tố mới, giá trị mới của văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế từng bước được định hình trong đời sống, góp phần bồi đắp tinh thần dân tộc, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận quá trình phát triển 30 năm qua, về xây dựng con người còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Đó là sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng; lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động và hoạt động công vụ; sự lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật… chưa được khắc phục. Việc giáo dục, giữ gìn, phát huy truyền thống và tình cảm tốt đẹp trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức; nhà trường chưa thực hiện tốt chức năng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ.
Cũng theo ông Trần Thành Long, những hạn chế, khiếm khuyết nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế thị trường, từ hội nhập quốc tế. Thế nhưng, về chủ quan mà nói, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chưa được quan tâm thường xuyên; chưa làm rõ được một số vấn đề lý luận về phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, về nhận thức và xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, bảo tồn và phát triển văn hóa, kinh tế…
Trên cơ sở những nhận định, đánh giá nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế, văn hóa đã đặt ra những vấn đề để định hình những giá trị văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, theo TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phải đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức về hệ giá trị văn hóa và từ thực tế định hướng xây dựng các tiêu chí phát triển văn hóa, con người. Đẩy mạnh nghiên cứu để sớm hình thành những luận giải về nền văn hóa dân tộc; về đối thoại và hội nhập văn hóa… Bên cạnh đó, tăng cường phát huy, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa mang tính dân tộc ngàn đời của cha ông ta truyền lại, mang ý nghĩa tôn vinh giá trị con người có lối sống trọng nhân, trọng nghĩa, trọng tài, trọng đức. Từ đó, bồi đắp, phát triển và làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển trong xu thế xã hội hội nhập hiện nay.
HOÀI NAM
>> Những bước chuyển tạo ra sự khác biệt