Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 3 năm triển khai, đến nay Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: mạng lưới y tế phát triển rộng khắp; kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra, số người mắc và chết vì dịch bệnh giảm.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã bảo vệ thành công thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai...
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 13% năm 2018. Các địa phương cũng đã chú trọng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, phát triển y tế học đường. Cả nước cũng kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức 0,3% và giảm thiểu số người nhiễm mới; tuổi thọ người dân được nâng cao...
Tuy nhiên người đứng đầu ngành y tế cũng nhìn nhận, chương trình cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới, nhất là trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư... đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng, tàn phá sức khỏe, tính mạng của người dân.
Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng khó khăn vẫn còn hạn chế… Trong khi đó, nguồn lực để thực hiện chương trình này lại đang rất hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước vì Quỹ Bảo hiểm y tế hiện mới chỉ chi trả cho khám, điều trị khi đã mắc bệnh; chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và bố trí kinh phí để thực hiện chương trình.
Trước thực trạng đó, để có thể hoàn thành Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thời gian tới cần xây dựng, đổi mới hoạt động mạng lưới hệ thống y tế cơ sở trên cả nước, bởi đây là “những người gác cổng” có vai trò quan trọng trong việc phòng chống các loại bệnh tật cả lây nhiễm và không lây nhiễm trong cộng đồng.
Đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản tại các trạm y tế để người dân có thể tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất ở nơi gần nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh của cộng đồng như: tập thể dục giữa giờ, tăng cường đi bộ, chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế rượu bia, thuốc lá... nhằm hạn chế mắc các loại bệnh không lây nhiễm.