LTS: Báo chí đã và đang trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng nhất tác động trực tiếp đến thị hiếu, thói quen của khán giả, bạn đọc thưởng thức văn học nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, thực tế thời gian qua báo chí truyền thông trong nước nói chung và tại TPHCM nói riêng lại chưa thực sự thể hiện được vai trò định hướng dư luận hướng tới chân, thiện, mỹ của nghệ thuật. Số lượng bài viết, phê bình VHNT chính thống có giá trị còn quá ít trong khi lại có quá nhiều bài viết quảng bá.
Trong bối cảnh đó, nhằm phân tích rõ thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho công tác Lý luận phê bình (LLPB) VHNT trên báo chí, Hội đồng LLPB VHNT TPHCM đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông – Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà báo, lãnh đạo các đơn vị có liên quan đến VHNT… đến tham dự. Có 19 tham luận được trình bày tại hội thảo cùng hàng chục ý kiến trao đổi, đóng góp về tình hình LLPB VHNT trên phương tiện truyền thông. Báo SGGP xin trích đăng một phần tham luận của một số đại biểu tham dự nhằm làm rõ những vấn đề quan trọng mà hội thảo đã nêu ra.
GS-TS MAI QUỐC LIÊN: Thiếu chuyên, loạn chuẩn
Phê bình văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông lâu nay như thế nào? Trả lời câu hỏi này không đơn giản. Nói rằng thiếu tính chuyên nghiệp thì những người tham gia phê bình rất dễ chạm tự ái. Thế nào là tính chuyên nghiệp? Phải chăng viết dài dòng, trích dẫn tràn lan, đưa vào các khái niệm lý thuyết hàn lâm, nhà trường... thì mới là chuyên nghiệp. Thực ra, không phải thế. Vấn đề không phải ở hình thức trang giấy dài, ngắn mà là ở nội dung thực chất, nội dung chân lý của nó. Hoài Thanh rất không ưa cái lối phê bình hàn lâm đó, ông viết dung dị và viết ngắn. Điển hình là Thi nhân Việt Nam.
Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông cũng có những bài báo ngắn, nhưng chất lượng cao. Súc tích, ngắn gọn luôn là bà chị của tài năng, là sự đánh dấu tài năng... Chúng ta rất cần có những cây bút, bài báo như thế. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đối với những vấn đề phức tạp, tinh vi của VHNT, một sự quá ngắn khó bề thuyết phục. Vì vậy, vẫn rất cần những bài báo có chất lượng, có lý lẽ, lý luận, đủ sức thỏa mãn người đọc.
Đó là nói về trình độ. Vấn đề hiện nay là bên cạnh rất nhiều mặt tích cực của truyền thông trong phê bình, trong chuyển tải tác phẩm, có những hiện tượng không lành mạnh, tồn tại khá lâu dài, đôi lúc làm người đọc, người xem, người nghe không được an tâm. Đó là những vấn đề về khuynh hướng tư tưởng, về cái nhìn, cách đánh giá đôi khi loạn chuẩn, và nó đã trực tiếp đi vào địa hạt chính trị với những toan tính và ý tưởng nguy hiểm.
Kể từ đổi mới năm 1986, kể từ Liên Xô - Đông Âu sụp đổ, chúng ta đã từng chứng kiến những cơn gió bão trái chiều thổi trên vương quốc VHNT. Nào là cho văn học nghệ thuật kháng chiến - cách mạng là “quan phương”, “công chức”, “phải đạo”, là “sử thi” - tóm lại, một nền văn hóa nghệ thuật đầy tâm huyết, suy tư, tài năng của cả một thời bị xem là kém chất lượng vì sự “chỉ huy”, “định hướng”. Phủ định quá khứ, họ nấp dưới nhãn hiệu đổi mới để diễn biến nền VHNT của ta theo hướng phi chính trị, không còn nhiệt huyết yêu Tổ quốc, nhân dân mà đi theo hướng nhìn đời toàn màu đen, màu xám, bi đát, thống khổ, để “kinh doanh bóng tối” như một nhận xét. Thế rồi, tiếp tục đi vào cá nhân với đòi hỏi tự do tuyệt đối, nghĩa là tự nhấc mình lên khỏi mặt đất như Lỗ Tấn nói, với những đòi hỏi thác loạn và bạo lực.
Trong cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, chủ trương văn nghệ cần phải bảo vệ và phát huy thành tựu VHNT thời Hồ Chí Minh, đi con đường dân tộc - nhân dân - nhân văn XHCN, lấy cá nhân làm cốt tử, nền tảng nhưng không tách rời cộng đồng: “Sự phát triển tự do của mỗi một cá nhân là cơ sở cho sự phát triển tự do của toàn xã hội” (K.Marx).
Đã có quá nhiều biến động xã hội từ sau chiến tranh, đã có quá nhiều ảnh hưởng và sức ép từ nền kinh tế thị trường, từ văn hóa phương Tây (không phải ở phần lành mạnh, tinh hoa mà nhiều khi ở những quan niệm cực đoan nhất)... nên văn nghệ, cái bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, có thay đổi, biến động là lẽ cố nhiên. Chúng ta chủ trương đổi mới, và tiếp tục đổi mới, nhưng không phải là quay lưng, đảo chiều, tự phản bội và tự hủy diệt. Chúng ta vẫn phải giữ vững tuyến tư tưởng của chúng ta, giữ vững những giá trị cơ bản lớn lao thuộc về Tổ quốc, nhân dân, kháng chiến, cách mạng, đã được thử lửa, trui rèn trong lửa đạn, chúng ta phải phát triển một nền VHNT cân đối, vừa thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của cá nhân (kể cả bản năng lành mạnh), vừa thỏa mãn quyền lợi của cả dân tộc là tiếp tục đứng vững và phát triển – “Độc lập - Tự do” cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. đấy là lý tưởng xã hội và cũng là lý tưởng thẩm mỹ dẫn dắt nền VHNT của chúng ta đi tới
Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN: Phối hợp với hội chuyên ngành đào tạo nhà báo viết LLPB VHNT
Hiện nay đội ngũ lý luận phê bình đang đứng trước một thực trạng là vừa thiếu lại vừa yếu, bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau của cơ chế thị trường, khi mà internet chiếm lĩnh thị phần thông tin, khi mà nghệ thuật PR đang làm lung lay cả những người cảnh giác nhất trước các chiến dịch đánh bóng tên tuổi tác giả tác phẩm.
Thiếu và yếu là nguyên nhân nội tại. đa số các nhà LLPB thuộc dòng phê bình hàn lâm đều đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Nhưng cái khó của họ là ở đầu ra. Dù có thể rất giỏi nhưng họ sẽ làm gì, viết cho ai, đăng ở đâu? Nếu họ đầu quân cho các báo, liệu họ có giữ được yếu tố độc lập, để làm LLPB không? Liệu họ có sống nổi khi các báo đài dành một diện tích, một thời lượng rất khiêm tốn cho cái nghề LLPB không? Câu trả lời là không. Họ đã được đào tạo tốt, viết tốt nhưng cũng khó có thể có đất sống, đó là chưa kể đôi khi họ không đủ dũng khí để vượt qua một rào cản vô hình nào đó hoặc chẳng dám cả gan chạm vào tâm lý “văn mình vợ người” của giới sáng tác.
Vấn đề nguồn nhân lực LLPB VHNT trên các phương tiện truyền thông là năng lực và sự tự đào tạo lại. Chính các nhà báo viết về lĩnh vực nào thì phải tự đào tạo mình, tự học hỏi bằng cách theo học ngành đó hoặc học hỏi từ các nhà chuyên môn. Không học chính quy được thì học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, học qua sách vở, qua người đi trước.
Các báo đài hiện nay đều có những phóng viên chuyên theo dõi các mảng VHNT. Thông thường thì những người này được phân công theo dõi lĩnh vực VHNT vì mấy lý do là: Đã từng tham gia (biết viết văn, làm thơ hay… yêu văn nghệ chẳng hạn). Đã từng học ngành có liên quan đến khối C, đến ngành VHNT. Còn tuyển được “gà nòi” để làm LLPB thì rất hiếm. Cả 3 yếu tố trên đã là sự lựa chọn tốt nhất có thể. Song cũng có những người được chọn vì họ chẳng biết viết lĩnh vực gì khác.
Nhiều người viết lấy tư liệu bằng tai, tức là chỉ thông qua những gì người ta nói, chứ sự tinh tế cảm thụ và kiến thức cá nhân rất mỏng mảnh. Đó là một thực tế. Chính vì sự thiếu đầu tư ấy nên có người đi viết VHNT mà chưa nắm rõ được thể loại chứ nói gì phê phán đến vấn đề chủ nghĩa, trường phái, trào lưu, phong cách, tư tưởng. Cho nên cách phê bình ăn theo, cảm tính, hóng hớt...
Vậy vấn đề ở đây là giới truyền thông nên đầu tư nhiều hơn cho người viết phê bình lĩnh vực VHNT. Đó là lĩnh vực không chỉ yêu cầu kiến thức nền tảng, mà còn có yếu tố rất quan trọng là cảm thụ của tâm hồn, liên quan rất nhiều mảng miếng nghề, biết rộng, hiểu sâu mới chạm nổi các vấn đề của VHNT. Thực tế cho thấy, một số báo có PV đã từng tốt nghiệp mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, nhạc viện... hoặc có thời gian dài theo dõi VHNT thường viết tốt hơn hẳn các đồng nghiệp khác cùng lĩnh vực này. Nhưng rất tiếc, số đó đang ít dần nếu không nói là rất hiếm.
Tôi xin nhắc lại một câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ: “Một nhà báo nên tốt nghiệp 3 trường, đó là trường chuyên ngành, trường báo chí và trường đời”. Nếu một người viết LLPB đáp ứng được điều đó, chúng tôi nghĩ là sẽ tốt hơn cho nền VHNT rất nhiều. Và ai sẽ giúp người viết LLPB hội tụ được các yếu tố cần và đủ đó? Đó chính là sự phối hợp đào tạo và liên kết đầu tư giữa các hội chuyên ngành với các phương tiện truyền thông
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long: Trách nhiệm và lương tâm của nhà báo
Nhìn trên mặt bằng chung của báo chí, công tác của các nhà báo phụ trách mảng VHNT là giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật có giá trị và những gương mặt nghệ sĩ tài năng. Và thực sự, báo chí đã góp phần phát hiện, làm thăng hoa nhiều tài năng của đất nước. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa được tôn vinh xứng đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những gương mặt trẻ đầy triển vọng được phát hiện và ngày càng vươn xa.
Nói không ngoa, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và báo chí là một mối quan hệ khó thể tách rời. Mọi hoạt động lớn nhỏ của mọi lĩnh vực chuyên ngành nghệ thuật đều phải song hành cùng báo chí, một vở diễn sắp ra mắt, một bộ phim sắp trình chiếu, một đêm nhạc sắp trình diễn, một quyển sách sắp xuất bản, một phòng tranh, phòng ảnh sắp triển lãm, đều phải nhờ vào sự góp sức của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tất cả nếu không có sự tác động và ủng hộ của báo chí, thì công sức bỏ ra của các nghệ sĩ sẽ rơi vào khoảng không.
Mặt tích cực của báo chí đối với văn học nghệ thuật là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng chính từ sự gắn bó quan trọng ấy, mặt trái của vấn đề ngày càng lộ dạng. Các nhà báo, nhất là những nhà báo tuổi đời, tuổi nghề còn non, kiến thức xã hội và nghệ thuật chưa được trang bị nhiều, nhưng được trao cho quyền lực quá lớn, là phán xét tác phẩm, gây được tác động xã hội … Vì thế, tiêu cực cũng phát sinh từ đây, bởi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không giống như lĩnh vực kinh tế, giáo dục, nhìn nhận đúng sai bằng chính thực tế không thể chối cãi. Phân tích một tác phẩm nghệ thuật phải là sự cảm nhận tinh tế từ tâm hồn, không thể bắc thang điểm kiểu 2+2= 4.
Chính vì vậy mà cùng một bộ phim, cùng một vở diễn, cùng một quyển sách tờ báo này khen ngất trời, nhưng tờ báo khác phân tích khác hẳn, chỉ ra đầy đủ những sai trái của nó. Chính vì không có một chuẩn nào để đánh giá tác phẩm nghệ thuật nên thị trường âm nhạc ngày càng nhiễu loạn với vô số bài viết lăng xê vô tội vạ những ca sĩ trẻ chuyên hát nhép, những chàng trai cô gái mới đóng vài phim đã ngang nhiên trở thành sao, những quyển sách dâm ô đầy ẩn ý chính trị được tôn vinh như một hiện tượng, những chương trình ca nhạc nhố nhăng được phát sóng trên các đài truyền hình lớn chỉ với mục đích thu tiền tài trợ và quảng cáo là chính.
Sự nhiễu loạn là không tránh khỏi khi báo này đi ngược 180 độ với báo kia. Công chúng hoang mang, nhưng để có một nhận định chuẩn xác phải từ các cơ quan hữu trách. Nhưng các cơ quan quản lý văn hóa cũng ít khi can thiệp cụ thể vào vấn đề tư tưởng của tác phẩm, trừ khi tác phẩm ấy vi phạm quá rõ ràng về chính trị, về thuần phong mỹ tục.
Tôi nghĩ, những cuộc bút chiến về quan điểm nghệ thuật là điều rất cần thiết, vì công chúng sẽ có sự phán đoán để hiểu lẽ phải thuộc về ai khi theo dõi những bài bút chiến ấy. Phải có sự tranh luận đến tận cùng sự thật để tìm ra chân lý, và người đọc sẽ có đủ thông minh để hiểu hết những hỏa mù ngụy trang trước những mỹ từ Đổi mới, Cấp tiến hiện nay. Bởi không phải tự dưng mà nhiều nhân vật lịch sử đang được mang ra xét lại với cái nhìn thiếu trong sáng nhân danh bằng hai từ Đổi mới. Và hơn ai hết chính độc giả trẻ đang bị dẫn dắt vào những mê lộ này…