Phí chung cư từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc của người dân sống trong chung cư. Mặc dù quy định về nhà ở có nêu loại phí này nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu. Mới đây nhất, TPHCM đang tính chuyện “thả nổi”…
Bức xúc
Câu chuyện lùm xùm chung cư mới đây nhất xảy ra tại Hà Nội cũng khởi nguồn từ phí chung cư. Đại diện cư dân một số chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội, gồm: Keangnam (đường Phạm Hùng), Kinh Đô (93 Lò Đúc), Golden Westlake (đường Hoàng Hoa Thám) và Sky City (88 Láng Hạ) đã cùng ký đơn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư.
Tại chung cư Keangnam, mức phí quản lý nơi đây quá cao, phí gửi xe cũng cao hơn rất nhiều so với quy định của UBND TP Hà Nội. Sau khi cư dân nhiều lần đấu tranh, kiến nghị, chủ đầu tư buộc phải giảm phí gửi xe cho cư dân nhưng lại quay sang bắt chẹt khách bằng phí gửi xe “cắt cổ”, với 20.000 đồng/xe máy và 60.000 đồng/ô tô/lượt.
Thống kê sơ bộ, một hộ gia đình sinh sống tại Keangnam tốn hơn 2 triệu đồng/tháng tiền phí dịch vụ và 3 triệu đồng tiền gửi xe, chưa kể tiền điện, nước!
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay bộ chưa nắm được thông tin này, nhưng quan điểm của Chính phủ đã thể hiện rõ qua các văn bản pháp luật là yêu cầu các địa phương phải ban hành mức phí cụ thể. |
TPHCM: chờ!
Phí nhà chung cư được đề cập trong Luật Nhà ở và Nghị định 71: Dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có Thông tư 37/BXD hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư.
Theo đó, giá dịch vụ nhà chung cư được thu chi theo nguyên tắc tự thu, tự trang trải và công khai nhưng phải phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của từng địa phương, thu nhập của người dân từng thời kỳ và được trên 50% các thành viên trong ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín…
Nguyên tắc là vậy, nhưng đến nay chỉ có Hà Nội ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư 3 mức phí: cao nhất 4.000 đồng/m²/tháng, kế đó 3.100 đồng/m²/tháng và thấp nhất 2.400 đồng/m²/tháng. Mức phí này được áp dụng tạm thời trong một năm kể từ ngày 29-9-2011.
Còn đối với TPHCM, sau một thời gian dài “ngâm cứu” với hàng loạt dự thảo, mới đây nhất là đề xuất… thả nổi! Theo Sở Xây dựng TPHCM, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành, chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho dịch vụ công ích nên chưa đủ cơ sở pháp lý để tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư.
Mặc khác, qua lấy ý kiến của các doanh nghiệp quản lý và vận hành chung cư, ban quản trị của 50 chung cư, trên 70% doanh nghiệp đều cho rằng việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư (để khống chế mức chi phí trần) theo quy định của Nghị định 71/CP là không cần thiết và không phù hợp với quy luật của thị trường. Lý do, đây là giao dịch dân sự về sử dụng dịch vụ nhà chung cư.
Do đó, giá dịch vụ phải được thỏa thuận, còn UBND TP ban hành mức giá dịch vụ chỉ mang tính tham khảo. Đồng thời Nghị định 71/CP cũng quy định mức giá này không áp đặt, các bên có thể thỏa thuận khác…
Chính vì thế, ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM chưa ban hành quyết định công bố giá dịch vụ chung cư trong thời điểm hiện nay.
LƯƠNG THIỆN