
Sáng 11-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Chiều 11-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phí và lệ phí.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiếp cận thông tin đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội. Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này chiều 11-11.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu thảo luận Ảnh: LÃ ANH
Không đồng ý cho nhập tàu cũ về để phá dỡ
Thảo luận về Bộ luật Hàng hải, khá nhiều ý kiến ĐBQH không đồng ý việc cho nhập tàu biển về để phá dỡ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) cho rằng, việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Việc phá dỡ tàu biển không chỉ là phá dỡ tàu biển của nước ngoài mà còn có phá dỡ tàu biển của Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường như ý kiến của đại biểu (ĐB) đã nêu, dự thảo bộ luật đã được bổ sung thêm một mục về phá dỡ tàu biển để quy định chặt chẽ đối với việc phá dỡ tàu biển. Tuy vậy, trong phiên thảo luận về dự luật này sáng 11-11, tuy chỉ có 14 ĐB phát biểu nhưng phần lớn các ý kiến nêu về vấn đề này.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) phát biểu không đồng ý nhập tàu biển về để phá dỡ. “Bởi không cẩn thận chúng ta sẽ thành bãi phế liệu của thế giới. Tôi đề nghị bãi bỏ điều này trong dự thảo luật”, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh nói. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho biết, đa số ý kiến đồng tình là chỉ cho phá dỡ 2 loại: tàu hết hạn sử dụng, tàu bị đắm. Tuyệt đối không nhập tàu về phá dỡ để lấy nguyên liệu vì lợi bất cập hại. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng yêu cầu kiên quyết bãi bỏ quy định nhập tàu biển về để phá dỡ. Việt Nam đang nghèo, chỉ nên phá dỡ tàu cũ của Việt Nam; không nhập tàu thế giới về để phá dỡ. Đó là chưa kể việc phá dỡ tàu biển rất độc hại, có thể gây bệnh tật, nhất là ung thư cho người Việt Nam. Đây cũng là quan điểm của ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) khi cho rằng, cần kiên quyết không cho nhập tàu biển về để phá dỡ, bởi gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vấn đề này đã từng được thảo luận gay gắt khi thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, đến nay các ĐB vẫn phản đối, vì vậy tới đây khi giải trình lại luật này cần cân nhắc kỹ, cần thiết thì bãi bỏ và phải sửa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải (Điều 7), ĐB Trần Du Lịch cho rằng, cần xác định rõ hàng hải là lĩnh vực kinh tế biển cực kỳ quan trọng bởi vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam. Hàng hải cần được phát triển trở thành chủ lực của kinh tế biển, cần thể hiện rõ điều này trong luật. Luật cũng cần nêu rõ phát triển nhưng pháp luật bảo hộ ngành hàng hải. Cần phát triển vận tải biển nội địa bằng chính sách để giảm áp lực đường bộ, đường sắt. Phải đầu tư, coi đó là ngành quan trọng, kể cả đầu tư các cụm cảng. Chính sách này cần được luật hóa”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai
Theo tờ trình, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Dự thảo luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí; việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.
Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với hướng quy định như của dự thảo luật, nhưng lưu ý thêm rằng, ở nước ta hiện nay do quy định của pháp luật về bí mật nhà nước còn có nhiều nội dung chưa cụ thể, việc xác định độ mật chưa thống nhất nên đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị Nhà nước sớm ban hành luật để thay cho Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng “xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai” như đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X khẳng định.
Thu hợp lý, tuân thủ nguyên tắc phục vụ
Thảo luận về dự án Luật Phí và lệ phí, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), đề nghị, dự luật phải tuân thủ theo nguyên tắc là các dịch vụ công mà người dân đã đóng thuế thì không phải đóng phí, lệ phí và người dân chỉ trả phí, lệ phí khi họ sử dụng đúng dịch vụ đó. Nguyên tắc thứ hai là phí, lệ phí phải thu hợp lý “không thể là thuế thu nhập trá hình giảm thu nhập của người dân”. Thứ ba là không bù đắp cho tham nhũng, lãng phí nhằm tránh việc sử dụng tiền thuế của dân yếu kém sau đó tìm cách huy động phí, lệ phí của người dân.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng cho rằng, dù dự thảo đã có sự tiếp thu nhiều nội dung quan trọng nhưng vẫn còn những điểm chưa ổn. Đó là quy định phí để bù đắp chi phí. Nếu “chỉ nói thế là chưa ổn” vì có những dịch vụ công, Nhà nước chỉ thu một phần và bản chất các dịch vụ có thu phí này là thể hiện của nền hành chính công. Do đó, nguyên tắc của việc xác định mức thu phí nên quy định sao cho dịch vụ này có tính phục vụ. Phân tích về quy định “khuyến khích thực hiện xã hội hóa” việc thu phí, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cho rằng, nếu chỉ quy định ngắn gọn như vậy “e rằng có sự lạm dụng”. Từ đó, ĐB đề nghị nên quy định chỉ khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết nắm giữ để xác định rằng Nhà nước không xã hội hóa bằng mọi giá các loại dịch vụ công.
Xung quanh việc dự thảo loại bỏ viện phí, học phí ra khỏi danh mục để chuyển sang cơ chế giá. Đa số các ĐB đều đồng tình nhưng băn khoăn về quy định này và đề nghị cần có chính sách hỗ trợ. ĐB Danh Út (Kiên Giang), đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể và chi tiết hơn về lộ trình và tác động của việc chuyển sang giá dịch vụ đến đời sống của người dân, gây bất lợi cho người nghèo, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), cũng cho rằng, cần có lộ trình khi bỏ các loại phí này ra khỏi danh mục. Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), dù chuyển viện phí và lệ phí sang cơ chế giá nhưng Chính phủ trên cơ sở cân đối ngân sách cũng nên nghiên cứu các chính sách mới để hỗ trợ đối tượng khó khăn được hỗ trợ khám chữa bệnh, nhất là những người nghèo mắc bệnh nan y, phải điều trị lâu dài và thuốc nằm ngoài danh mục được chi trả. Bên cạnh đó là có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo khi chi phí học tập bị vượt quá khả năng của gia đình.
PHAN THẢO - HÀ MY - ANH THƯ