Phi nghĩa hay chính nghĩa?

Khi phương Tây, dẫn đầu là Anh, Pháp và Mỹ mở đợt tấn công đầu tiên vào Libya dưới danh nghĩa thực thi nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ, cộng đồng quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi: đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa?

Khi phương Tây, dẫn đầu là Anh, Pháp và Mỹ mở đợt tấn công đầu tiên vào Libya dưới danh nghĩa thực thi nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ, cộng đồng quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi: đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa?

Xét từ bản chất của chiến tranh, từ những bài học lịch sử về các cuộc chiến do Mỹ và các đồng minh tiến hành trong thời gian qua, sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya là một cuộc chiến mang màu sắc chính trị và bảo vệ lợi ích các nước lớn hơn là bảo vệ người dân Libya như họ khẳng định. Một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đó là: tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya rõ ràng là vi phạm quyền tự quyết các dân tộc.

Điều cũng khá quan trọng là trong khi lãnh đạo các nước này quyết định tấn công Libya vì tố cáo Chính phủ Libya không tôn trọng nguyện vọng nhân dân, trên mạng lại tràn ngập các lời bình luận phản đối cuộc chiến này. Đa số người Mỹ mong muốn chính quyền quan tâm đến tình hình trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thất nghiệp cao, hơn là can thiệp vào một đất nước xa xôi tận châu Phi. Có người còn xót xa kêu lên trong một đêm họ đã nướng 112 tên lửa hành trình Tomahawk trị giá hơn 63 triệu USD tiền thuế của dân, trong khi tại nước Mỹ hiện vẫn còn hàng chục ngàn người vô gia cư, hàng triệu người thất nghiệp, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Đa số các lời bình luận đều cho đó là vì dầu lửa và kêu gọi không được lấy máu đổi dầu lửa. Nếu các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ chịu khó đọc những bình luận này thì họ sẽ nhận ra rằng chính mình cũng đang không tôn trọng nguyện vọng của nhân dân mình.

Xét từ tính chất pháp lý, có vẻ như đây là cuộc chiến hợp pháp vì nó đã được HĐBA LHQ thông qua. Nhưng không một ai nghi ngờ rằng nó được thông qua dưới áp lực của các nước lớn. HĐBA lúc đầu không có ý định thảo luận về vùng cấm bay đối với Libya, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng vùng cấm bay phải do LHQ áp đặt và phương Tây đã vận động ráo riết để HĐBA thông qua nghị quyết này. Như vậy rõ ràng phương Tây đã cố tình mượn bàn tay LHQ để hợp pháp hóa một cuộc chiến phi pháp.

Có hay không nghị quyết của HĐBA, các nước này cũng sẽ tấn công Libya, nhưng nếu được nhân danh ủy quyền LHQ thì có vẻ như hợp pháp hơn. Còn nhớ cuộc chiến Nam Tư năm 1999 do NATO mà dẫn đầu là Mỹ tiến hành đã không hề được HĐBA LHQ thông qua. Vào thời điểm đó, Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối cuộc chiến này nên Mỹ, Anh và Pháp quyết định không đưa nghị quyết mở đường tấn công Nam Tư ra bỏ phiếu tại HĐBA và quyết định qua mặt cơ quan quyền lực nhất hành tinh.

Cơ sở pháp lý cho cuộc chiến Iraq cũng tương tự. Sau khi thăm dò thái độ các thành viên hội đồng và biết rằng một nghị quyết cho phép tấn công Iraq sẽ thất bại, Mỹ đã quyết định qua mặt họ khai hỏa cuộc chiến Iraq vào tháng 3-2003.

Mới chỉ một đêm tấn công vào Libya, họ đã giết chết 48 dân thường và làm hơn 100 người bị thương, hàng ngàn người chạy trốn khỏi TP Benghazi. Trớ trêu thay, đó lại là những người được phương Tây tuyên bố bảo vệ để mở cuộc chiến này. Nếu chiến dịch quân sự kéo dài, sẽ còn bao nhiêu người được bảo vệ sẽ ngã xuống, sẽ mất nhà cửa, sẽ ly tán người thân…?

Hẳn dư luận còn nhớ “thành tích bảo vệ nhân quyền” của NATO trong cuộc chiến Nam Tư là hơn 10.000 người thiệt mạng, 800.000 người rời bỏ nhà cửa; trong cuộc chiến Iraq là hơn 100.000 người thiệt mạng (có báo cáo cho rằng đến 1 triệu người) và đất nước Iraq đổ nát với hàng chục di tích lịch sử được UNESCO công nhận bị tàn phá trong mưa bom. 

VIỆT TRUNG

Thông tin liên quan

>> Liên quân khai hỏa tại Libya

Tin cùng chuyên mục