Phía sau những ngôi chùa ấy…- Bài 1: Chùa to, cảnh lớn - Vì ai?

LTS: Đi lễ chùa với tâm nguyện tốt lành, hướng thiện là nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhưng trên thực tế, do hiểu biết về nghi lễ Phật giáo còn hạn chế nên một bộ phận không nhỏ người đi lễ chùa là để cầu tài lộc, cúng bái giải hạn…, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín thật mong manh. Nắm bắt yếu tố này, những năm qua rất nhiều ngôi chùa được ào ạt xây dựng ở những nơi có phong cảnh đẹp trên khắp cả nước; trong đó có nhiều ngôi chùa xây không phép, hoạt động lợi dụng tôn giáo để kinh doanh.

Hiện tượng nhiều ngôi chùa to được ồ ạt xây dựng, nhiều chùa cổ  “cấy” thêm công trình mới bề thế để “hút” du khách không phải là mới, song mỗi vi phạm bị phát hiện đều gây sốc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nhận xét: “Chùa to, cảnh lớn dù sao cũng chỉ là phương tiện, nên không quan trọng trong việc quyết định thành tựu của người tu”.

Khu Resort 5 sao Legacy Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: HOÀI NAM

Dịch vụ VIP, combo đặc quyền

Cầm trên tay tờ rơi giới thiệu về khu nghỉ dưỡng 5 sao FLC Luxury Resort (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi bất ngờ khi thấy ở trang đầu in hình trang trọng cảnh chùa Thiên Phúc. Trang trong của tờ rơi là bản đồ toàn khu nghỉ dưỡng đánh số 21 địa điểm, trong đó có điểm 17 phía sau rộng nhất được ghi chú chùa Thiên Phúc. “Các anh có thể đi tham quan, đi hết con đường phía trước là tới”, nữ nhân viên lễ tân nói. Men theo con đường nhỏ dọc bãi cỏ xanh mượt, chúng tôi đi qua các điểm 21 (cây cầu tình yêu), 15 (lối hoa dừa cạn), 19 (đồi hoa thiên nga), 16 (vườn chim) và trạm gác cổng sau khách sạn là đến khu chùa Thiên Phúc.

Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, nhà chuông, nhà bia, tượng Phật Quan Thế Âm, chánh điện… “Sư trụ trì nay có ở chùa không ạ?”, chúng tôi hỏi một chị đang quét lá trước sân. “Mai rằm, thầy về tụng kinh, dâng lễ cho phật tử”. “Thầy pháp danh là gì ạ?”. “Thầy Cao”. 

Được một nhân viên quản lý khu du lịch cho số điện thoại, chúng tôi gọi cho thầy Cao. “Mô phật, thầy Cao phải không ạ. Hôm nào thầy về chùa cho con xin gặp”. “Tôi không ở chùa thường xuyên, chỉ đến làm lễ ngày rằm, mùng 1, lễ trọng thôi”. “Dạ thầy cho biết pháp danh, hiện ở chùa nào ạ?”. “Tôi là đại đức Thích Nguyên Cao, trụ trì chùa Tùng Vân, ngoài thị trấn Vĩnh Tường. Chùa Thiên Phúc là của doanh nghiệp xây trong khu nghỉ dưỡng, không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý”. 

Những năm gần đây, du khách đều biết đến 2 ngôi chùa rất quy mô, là chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Cả hai ngôi chùa đều nằm trong một không gian núi non hùng vĩ đẹp bậc nhất của đất nước, được doanh nghiệp Xuân Trường tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng. Chúng tôi đến thăm chùa trước thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại (trước ngày 27-4-2021), nên cũng thuận tiện cho việc gặp gỡ, hỏi thăm. Bước vào chùa Bái Đính, cô hướng dẫn viên tên N. giới thiệu: “Đây là cổng Tam quan nội, khi chúng ta vào đây thì gột bỏ được phàm trần ở ngoài kia. Hai bên có tượng ông Thiện và ông Ác trấn giữ, nhắc nhở không được làm điều ác mà làm điều thiện. Chúng ta sẽ đi hết hành lang La Hán dài nhất châu Á với 500 pho tượng…”. Cô hướng dẫn nói chưa dứt lời, mọi người đã đua nhau “xuống” tiền bỏ vào hòm công đức, tiền lẻ có, tiền mệnh giá lớn cũng có. 

Khuôn viên chùa Bái Đính lớn đến mức chúng tôi phải mua gói tham quan bằng xe điện VIP với giá vé 1,5 triệu đồng và 500.000 đồng cho phần thuyết minh, hướng dẫn. Xe đến cổng chùa chính, cô N. nói, đây là cổng chùa xác lập kỷ lục Việt Nam, được xây dựng toàn bằng gỗ tứ thiết. Toàn bộ phần gỗ của chùa được làm từ 15.000m³ gỗ quý hiếm, ngoại nhập. Qua cổng Tam quan nội là điện Tam Thế, cao 39m, sàn rộng 5.400m². Cô hướng dẫn viên tự hào cho biết, điện đủ cho 5.000 phật tử đến cùng một lúc. Điện có 3 pho tượng bằng đồng, mỗi pho nặng 200 tấn. Phía sau có 3 lá bồ đề khổng lồ dát vàng, mỗi lá nặng 15 tấn. Đi lên điện Pháp Chủ có pho tượng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Cô N. còn giới thiệu một kỷ lục tiền bạc trăm tỷ khác, mà theo cô đây là công đức của những người đi lễ chùa. Ba phía của chính điện đầu tiên được phân thành từng ô nhỏ, lồng kính. Mỗi gia đình công đức 50 triệu đồng, nhà chùa sẽ ghi tên của gia đình đó vào tượng với 130 ô. Điện được làm bằng hơn 900 khối gỗ lim. Hai điện còn lại, hoặc các ô dọc các hành lang, mỗi gia đình công đức 10 triệu đồng cũng được ghi tên, giữ lại trong các lồng kính. Theo cô N., với 10.000 ô như vậy sẽ thu được 100 tỷ đồng và hiện còn hơn 4.000 ô đang đợi... công đức.  

Nếu Bái Đính có diện tích 1.400ha thì chùa Tam Chúc có diện tích lớn gần gấp 4 lần Bái Đính, bằng 300 sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) cộng lại. Ngày rằm, lượng người đổ về nườm nượp; hơn 400 xe điện hoạt động hết công suất, đi đâu cũng tấp nập người và người. Chúng tôi chọn mua combo đặc quyền, khi vào tầng 5 của khách sạn Tam Chúc, được các nhân viên niềm nở giới thiệu có hơn 40 món ăn, cả mặn và chay.  

"Việc xây dựng, tu bổ khang trang hơn, bề thế hơn để có thể đón nhiều du khách thập phương hơn, đang hiện hữu ở nhiều di tích. Tuy nhiên, di tích là tài sản của quốc gia, bất cứ việc làm nào liên quan đến di tích đều cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật"

Ông Trần Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL
“Cưỡng bức” chùa cổ 


Nằm giữa một không gian xưa cũ của xứ Đoài, chùa Thắng Nghiêm (làng Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) có niên đại ngàn năm. Bề dày lịch sử lâu đời như vậy, song giờ đây bất cứ ai cũng sẽ có chung cảm giác choáng ngợp, nghi ngờ liệu có phải đã đến nhầm địa chỉ. Câu chuyện về việc biến di tích “ngàn năm tuổi thành… một năm tuổi” không phải là mới, nhưng với chùa Thắng Nghiêm thì cấp độ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Từ tường bao đến cổng vào chùa đều phủ một màu vàng chóe, tương phản với không gian xanh mát, tĩnh lặng vốn có của làng cổ Bắc bộ. Chùa không còn dáng vẻ của ngôi chùa cổ trước đó, mà nay là một quần thể những công trình nguy nga gồm tượng, tháp, cùng tòa ngang, dãy dọc với những hoa văn, kiến trúc xa lạ, khiến chúng tôi có cảm giác như đứng giữa không gian đâu đó ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản…  

Thấy vẻ lơ ngơ của chúng tôi, một phật tử tên Ngân (29 tuổi) tận tình chỉ dẫn đâu là Tam bảo, đâu là thờ Tổ. Gian Tam bảo có thể được coi là kiến trúc xưa duy nhất còn được giữ lại, nằm lọt thỏm giữa những khối kiến trúc đồ sộ của vườn tháp đá, tường kinh luân, núi giả, thác nước, hồ cá koi... Theo lời của các cụ cao tuổi ở địa phương, diện mạo chùa Thắng Nghiêm thay đổi như vậy bắt đầu từ năm 2009. Đến năm 2010, hàng rào cây xanh được phá đi thế chỗ bằng tường xây vàng chóe, còn phía bên trong thì chỗ nào cũng rực lên đo đỏ, vàng vàng. Rồi sau đó cả trăm pho tượng lớn được đưa về để quanh không gian phía bên trong. Công trình đồ sộ như vậy nhưng phải đến năm 2017, khi báo chí phát hiện thì các đơn vị chức năng của ngành văn hóa mới vào cuộc. Quá muộn để có thể “cứu” ngôi chùa cổ đã được xếp hạng Di tích quốc gia về nghệ thuật kiến trúc.  

Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) là một trong 4 ngôi chùa thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) lớn nhất miền Bắc. Bất cứ ai đã từng đến nơi này đều bị cuốn hút bởi lối kiến trúc thuần Việt cực kỳ ấn tượng. Tiếc thay, không gian vốn rất thân thiện và quen thuộc ấy hiện không còn nguyên vẹn, bởi nhiều công trình mới vừa được xây dựng thêm.

Trở lại non thiêng Yên Tử (nằm giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang) vào giữa tháng 4, không khí ở đây thật trong lành, mát mẻ. Mua vé cáp treo, chúng tôi lên lễ ở chùa Đồng. Đứng giữa màu xanh của núi rừng cùng những đám mây trôi, chúng tôi ngắm nhìn mái chùa cổ kính và những phiến đá tĩnh tại như kể chuyện về một vị vua hóa Phật. Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng lên đây tu hành, thành lập dòng Phật giáo mới Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Thế nhưng, giờ đây, ở dưới chân non thiêng này đâu còn vẻ tĩnh mịch của chốn thâm sơn, bởi đã mọc lên một khu dịch vụ, khách sạn sang trọng 5 sao uốn lượn, có tên gọi nửa tây nửa ta: “Legacy Yên Tử”, với nhiều dịch vụ cao cấp, từ công viên vui chơi, hồ bơi, quầy bar, nhà hàng ăn uống, đặc biệt là hệ thống khách sạn với hơn 130 phòng nghỉ sang trọng… Du khách rủng rỉnh tiền đến đây tha hồ chọn dịch vụ để được phục vụ đến tận răng, như đi nghỉ mát ở resort 5 sao.

Tin cùng chuyên mục