(SGGPO).- Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp chiều 6-10.
Theo dự thảo Tờ trình Quốc hội về vấn đề này do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết trung ương 4. Tuy nhiên, để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người được lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời phù hợp với thời điểm bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là vào kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đầu tiên trong năm, tính từ năm thứhai của nhiệm kỳ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Để phù hợp với quy trình lấy phiếu tín nhiệm kể trên, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm (hiện đã có) được đề nghị sửa đổi theo hướng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có một trong các trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu khi có một trong các trường hợp: khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; khi có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Trường hợp người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm
.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành đề xuất như dự thảo đổi với nhiều vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý cho biết. Tuy nhiên, về phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ chỉ nên đặt ra đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 7 Điều 84 của Hiến pháp. Việc mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội… là quá dàn trải, dễ làm cho hoạt động này trở nên hình thức. Tương tự, Hội đồng nhân dân cũng chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giải thích : “Tinh thần là mọi chức danh đã được bầu và phê chuẩn thì cần đánh giá tín nhiệm để xem có hoàn thành nhiệm vụ không (với những thành viên kiêm nhiệm nhiều chức danh thì chỉ đánh giá chức danh được Quốc hội/ Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn; đồng thời cũng chỉ xử lý ở vai trò đó thôi). Đưa việc này vào quy định sẽ là một lời nhắc nhở: đã là thành viên uỷ ban của Quốc hội/ Hội đồng nhân dân dù anh làm gì đi nữa cũng phải cố gắng hoàn thành trách nhiệm với ủy ban”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tập hợp các ý kiến phát biểu, yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm |
* Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự án Luật Thủ đô: Nhiều chỉnh lý, bổ sung hợp lý
Cũng trong chiều 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo về dự án Luật Thủ đô. Nhiều ý kiến tại phiên họp ghi nhận những nội dung chỉnh lý, bổ sung hợp lý trong dự Luật lần này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét ngắn gọn: “Nhiều khúc mắc của các đại biểu Quốc hội và bản thân tôi trước đây đã được giải đáp thỏa đáng”.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 29 điều, bỏ 4 điều; sắp xếp, chỉnh lý lại nhiều nội dung. Tinh thần chung của việc chỉnh lý là làm rõ các quy định cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, hạn chế việc quy định các chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là đô thị đặc biệt.
Đáng lưu ý, dự thảo Luật lần này được coi là sẽ góp phần giải quyết vướng mắc về “quỹ đất vàng” khi các cơ quan trung ương di dời ra khỏi khu vực nội thành cũ. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất cho các cơ quan trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô để thực hiện di dời trụ sở theo quy hoạch. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị di dời theo phân cấp. Quỹ đất sau khi di dời (…) được ưu tiên để xây dựng, phát triển công trình trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật”.
Liên quan đến chính sách, cơ chế về tài chính, dự luật quy định “Đối với các công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện. Đối với các công trình, dự án quan trọng do trung ương quản lý trên địa bàn Thủ đô, các Bộ, ngành có trách nhiệm ưu tiên nguồn lực để thực hiện”.
Dự luật cũng đã lược bỏ quy định về “lệ phí” đặc thù của Hà Nội. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng được quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá hai lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ghi nhận nhiều sửa đổi, bổ sung hợp lý của dự Luật lần này, song Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, nội dung về Vùng Thủ đô trong Luật này còn sơ sài, chưa tương xứng. Bà Mai đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật về cơ chế ngân sách đặc thù cho Thủ đô, song yêu cầu nêu cụ thể “đặc thù là những gì và lý do phải quy định như vậy để sau này khi sửa Luật Ngân sách nhà nước thì đưa vào”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã làm rõ vai trò của Hà Nội với tư cách trung tâm hành chính – chính trị của cả nước, trách nhiệm của cơ quan quyền lực của TP cũng đã rõ hơn, logic và khoa học hơn… Bà cũng tán thành những quy định chặt chẽ về quản lý dân cư trong dự thảo luật.
Về biểu tượng của Thủ đô, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng nhiều ý kiến khác đồng tình lựa chọn Khuê Văn Các và quy định nội dung này ngay trong Luật.
ANH PHƯƠNG