* Bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính
(SGGP).- Đó là hai nguyên tắc quan trọng nhất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) yêu cầu quán triệt trong Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Theo bản dự thảo do Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên trình bày tại phiên họp, phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi) được bổ sung, mở rộng đối với hoạt động chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, Thường trực UB Kinh tế và đa số các ý kiến trong UBTVQH cho rằng, chế biến khoáng sản có nhiều công đoạn và có mức độ khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và trình độ công nghệ. Vì vậy, luật chỉ nên điều chỉnh đến khâu phân loại, tuyển lựa, làm giàu khoáng sản sau khi thu được khoáng sản ở mỏ.
Về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, Thường trực UB Kinh tế đề nghị phân thành 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung về thăm dò khoáng sản cả nước; quy hoạch chung về khai thác khoáng sản cả nước; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của các bộ chuyên ngành.
Hai loại quy hoạch trên do Bộ TN-MT lập, trình Chính phủ phê duyệt; loại thứ 3 do các bộ chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Xây dựng...) lập.
Về thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, Thường trực UB Kinh tế đề nghị quy định UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại các khu vực nhỏ lẻ đã được Bộ TN-MT khoanh định và công bố; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Các loại còn lại do Bộ TN-MT cấp.
Phát biểu tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH tán thành quan điểm trên và nhấn mạnh yêu cầu quản lý khoáng sản thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên của đất nước.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng trăn trở: “Tình trạng lãng phí tài nguyên khoáng sản vẫn còn khá phổ biến, xuất lậu khoáng sản hiện nay đang làm Nhà nước mất hàng ngàn tỷ đồng. Trách nhiệm của từng bộ trong vấn đề này như thế nào?”.
Liên quan đến quy định đấu giá quyền thăm dò - khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thường trực UB Kinh tế và đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành về mặt nguyên tắc với dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm thí điểm đấu giá tại một số khu vực và xây dựng quy chế đấu giá. Cần làm rõ khái niệm “đấu giá quyền thăm dò, khai thác” không phải là “đấu giá mỏ” - nhà đầu tư trúng đấu giá vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí trong hoạt động khoáng sản.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị cách làm cụ thể là Nhà nước đầu tư thực hiện việc thăm dò, sau khi có kết quả, đánh giá được trữ lượng và khả năng khai thác thương mại của mỏ mới thì tổ chức đấu giá quyền khai thác.
Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Nuôi con nuôi và dự án Luật Bưu chính.
Tuy còn một số ý kiến tranh luận, nhưng đa số thành viên UBTVQH tán thành việc quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế trong Luật Nuôi con nuôi; giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, thủ tục thu và việc quản lý, sử dụng lệ phí, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.
Đối với dự án Luật Bưu chính, nhiều ý kiến xác đáng của ĐBQH đã được tiếp thu, thể hiện trong bản dự thảo trình UBTVQH lần này, như quy định về kiểm tra, xử lý bưu phẩm khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; về chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính; về dịch vụ bưu chính công ích...
Đáng lưu ý, dự thảo Luật Bưu chính có một chương riêng về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính theo hướng bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính. Theo đó, bên cung ứng dịch vụ phải xem xét, giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ trong thời hạn tối đa là 2 tháng đối với dịch vụ bưu chính trong nước và 3 tháng đối với dịch vụ bưu chính quốc tế.
Bình An