Ngày 6-5, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, việc nên duy trì hay bỏ quy định về lãi suất cơ bản (LSCB) do Ngân hàng Nhà nước công bố, áp dụng đối với các giao dịch dân sự là chủ đề “nóng” được nhiều thành viên UBTVQH cho ý kiến.
- Sẽ có “cụm lãi suất cơ bản”?
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày nêu quan điểm, không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất cho cả hoạt động ngân hàng và các giao dịch dân sự khác vì giữa hoạt động ngân hàng và giao dịch dân sự khác có những khác biệt rất căn bản.
UB Kinh tế đề nghị bổ sung phần giải thích từ ngữ về lãi suất cơ bản, theo đó lãi suất cơ bản được hiểu là “lãi suất do NHNN công bố, bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự” và quy định theo hướng NHNN công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch dân sự theo Bộ luật Dân sự; còn các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của NHNN.
Trong trường hợp cần thiết, NHNN có quyền can thiệp bằng cách quy định lãi suất cụ thể để các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của QH cho rằng, nếu đã bỏ LSCB thì phải bỏ hẳn. Nếu áp dụng thì phải áp dụng với mọi hoạt động cho vay, chứ không nên quy định ngoại lệ cho các TCTD. Không đồng tình với việc bỏ LSCB, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện nói, nếu cần thiết bỏ LSCB thì phải sửa lại các quy định về cấm cho vay nặng lãi trong Bộ luật Dân sự.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng phải có định hướng về vấn đề cho vay tiền. Nếu bỏ LSCB sẽ làm mờ định hướng XHCN và xã hội sẽ rối loạn bởi người đang khó khăn về tài chính có thể sẵn sàng vay tiền với bất cứ giá nào nhưng sau đó họ không có khả năng thanh toán.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết: “LSCB sắp tới cần được hiểu là cụm lãi suất để điều hành chứ không phải chỉ có một mức như trước”. Ông Nguyễn Đức Kiên giải thích thêm, không có quy định riêng cho lãi suất vay tiền đối với giao dịch ngầm vì những giao dịch dạng này không được Nhà nước chấp nhận.
- Yêu cầu làm rõ khái niệm “cụm công trình liên kết”
| |
Chiều 6-5, UBTVQH nghe và cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.
UB Kinh tế đồng thuận với đề nghị nâng quy mô vốn đầu tư các dự án, công trình phải trình QH lên 35.000 tỷ đồng (thay vì 20.000 tỷ như trước đây), có tính đến hệ số trượt giá; vì việc áp dụng mức này trong thực tế không còn phù hợp.
Về tiêu chí quy mô vốn đối với dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, ý kiến chung cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài cần sử dụng lượng vốn lớn bằng ngoại tệ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các cân đối kinh tế vĩ mô, vì vậy QH cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này; đề nghị quy định mức vốn của các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài phải trình QH thấp hơn mức vốn (35.000 tỷ đồng) của các dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình với quan điểm này.
Đặc biệt, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến khái niệm “cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau...” và cho rằng, thực tế đã từng có trường hợp dự án có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được tách thành nhiều dự án thành phần có quy mô nhỏ hơn và không trình QH quyết định chủ trương đầu tư. “Cần phải đưa ra khái niệm cụ thể, rõ ràng về cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng yêu cầu.
Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng đề nghị bổ sung các dự án sử dụng diện tích lớn đất lúa 2 vụ vào diện phải được QH xem xét để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
ANH THƯ