Phiên tòa gây tranh cãi

Ngày 22-10 (giờ địa phương), phiên tòa xử nhóm chuyên gia gồm 6 nhà khoa học và 1 quan chức (thuộc Ủy ban Rủi ro cao Italia) đã kết án các bị cáo 6 năm tù giam vì không dự báo được đầy đủ mức nguy hại của trận động đất năm 2009 khiến 309 người thiệt mạng.
Phiên tòa gây tranh cãi

Ngày 22-10 (giờ địa phương), phiên tòa xử nhóm chuyên gia gồm 6 nhà khoa học và 1 quan chức (thuộc Ủy ban Rủi ro cao Italia) đã kết án các bị cáo 6 năm tù giam vì không dự báo được đầy đủ mức nguy hại của trận động đất năm 2009 khiến 309 người thiệt mạng.

  • Bản án lịch sử

Vụ động đất này có tâm chấn tại thị trấn L’Aquila, thủ phủ của Abruzzo cách Rome 95km. Ngoài ra còn có 26 thành phố và thị trấn khác cũng phải chịu ảnh hưởng của trận động đất. Khoảng từ 30.000 đến 40.000 người dân Italia đã bị mất nhà cửa sau vụ động đất.

Theo AFP, 7 bị cáo đã bị kết tội ngộ sát, chịu mức án 6 năm tù giam vì đã không đánh giá được những rủi ro, đưa số liệu không chính xác dẫn đến không dự báo được vụ động đất kinh hoàng 6,3 độ richter năm 2009 làm 309 người thiệt mạng. Ngoài ra, 7 bị cáo phải bồi thường 12 triệu USD cho những người còn sống sót và một phần cho gia đình của các nạn nhân thiệt mạng.

Phiên tòa đầu tiên diễn ra vào tháng 9 năm ngoái ở thị trấn Apennine, một trong những trung tâm văn hóa của Italia chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ động đất. Theo luật pháp Italia, 7 người trên được hai lần kháng cáo trước khi chấp hành án phạt tù.

Hai trong số bảy bị cáo bị kết án: Nhà khoa học Bernardo De Bernardinis (trái) và nhà khoa học Mauro Dolce.

Hai trong số bảy bị cáo bị kết án: Nhà khoa học Bernardo De Bernardinis (trái) và nhà khoa học Mauro Dolce.

Luật sư Wania della Vigna, người đại diện cho 11 nguyên đơn trong vụ kiện, nhận xét: “Đây là một bản án mang tính lịch sử. Trên hết, đó là vì những nạn nhân. Tôi nghĩ nó sẽ đánh dấu một bước tiến trong hệ thống tư pháp và hy vọng nó sẽ tạo ra sự thay đổi, không chỉ ở Italia mà trên toàn thế giới”. Phiên xử diễn ra tại một căn phòng có diện tích tương đương một lớp học, đặt ngay tại thị trấn L’Aquila, nơi từng bị san bằng sau trận động đất. Không gian chật chội nhưng chật kín các luật sư, chuyên gia tư vấn, công tố viên, giới truyền thông đến từ nhiều quốc gia.

Chỉ có 4 trong số 7 bị cáo có mặt tại phiên tòa, cùng một số nhân chứng là những người may mắn sống sót.

Tại phiên tòa, công tố viên Fabio Picuti đã yêu cầu mức án 4 năm tù giam cho các bị cáo trên. Tuy nhiên, tòa án Italia đã quyết định cứng rắn hơn. Vị công tố viên đã chỉ trích rất mạnh mẽ các chuyên gia vì đã không cung cấp đầy đủ thông tin, thể hiện sự thiếu năng lực và phạm lỗi ở mức độ gây án nghiêm trọng.

Một chi tiết quan trọng bị công tố viên xoáy vào là trước khi trận động đất xảy ra vài tuần, người dân sống ở thị trấn L’Aquila đã cảm nhận được một số lần rung lắc nhẹ và sau đó chính quyền địa phương đã yêu cầu cần có các nhà khoa học đến kiểm tra. Vào ngày 31-3-2009, 6 ngày trước khi vụ động đất xảy ra, 7 bị cáo trên đã có mặt ở thị trấn L’Aquila nhưng nhóm chuyên gia đã kết luận không có nguy hiểm nào.

  • Giới khoa học u sầu

Để bảo vệ các bị cáo, nhà địa chất học Brooks Hanson, biên tập viên cao cấp của tạp chí Science, cho rằng: “Ở Italia thường có những vụ rung lắc nhẹ nhưng không phải tất cả đều dẫn đến động đất gây nguy hiểm. Vì thế, nếu các nhà địa chấn học phải cảnh báo từng cơn rung lắc nhẹ thì sẽ có rất nhiều cảnh báo sai, gây hoảng loạn trong dân chúng”.

Trong khi đó, nhà khoa học Maria Beatrice Magnani, chuyên gia nghiên cứu động đất, đã không đồng ý với việc đưa các nhà khoa học ra tòa. Theo bà, điều khiến mức thiệt hại nghiêm trọng là do ở các khu vực bị ảnh hưởng, các tòa nhà được xây không đủ kiên cố, sức chịu đựng quá kém. Điều này cũng đã được nhiều tài liệu chứng minh ngay sau khi xảy ra vụ động đất.

Enzo Boschi, nguyên Giám đốc Viện Địa vật lý quốc gia (INGV), một trong 7 bị cáo đã nói: “Tôi quá chán nản và tuyệt vọng. Tôi từng mong mình được xử trắng án. Đến giờ, không thể hiểu tôi bị buộc tội vì điều gì, vì thực tế, dự đoán trước được động đất là điều nằm ngoài khả năng chúng tôi”. Ông Enzo Boschi được biết đến là chuyên gia địa chấn và địa chất học có uy tín nhất ở Italia cũng như trên toàn thế giới.

Một số nhà bình luận theo dõi phiên tòa đã cảnh báo, việc mở một phiên tòa để xử các nhà khoa học, dù với một bản án nặng hay nhẹ cũng sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực. Nó khiến các chuyên gia e dè chia sẻ ý kiến của mình vì lo ngại sự trừng phạt.

Charlotte Krawczyk, Chủ tịch Khoa Địa chấn học của Liên minh Địa lý châu Âu (EGU), trả lời phỏng vấn của AFP: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Đây không phải là tai nạn trong ngành địa chấn học. Bản án này dường như dành cho hết thảy những người làm khoa học. Giới khoa học bị sốc trước sự việc này. Chúng tôi đang cố gắng kêu gọi để giúp các nhà khoa học trên thoát án tù”.

Giám đốc hiện thời của INGV, ông Stefano Gresta, nhận định: “Bản án trên đã tạo một án lệ có thể gây ra tác động tiêu cực đối với giới khoa học. Liệu các nhà khoa học còn muốn trình bày quan điểm một khi nó có thể khiến anh ta bị bỏ tù?”. Nhà địa chấn học Susan Hough thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa chất Mỹ chia sẻ với AP: “Một ngày buồn của giới khoa học. Thật đáng lo ngại”.

Hơn 5.000 nhà khoa học đã gửi một lá thư mở đến Tổng thống Giorgio Napolitano để phản đối bản án kết tội những người không dự báo được động đất. Trong thư, họ cho rằng đây là điều không thể.

Cũng có người e ngại rằng đây chỉ là rủi ro truyền thông, gây áp lực cho chính quyền phải tìm ra ai đó để trừng phạt, xoa dịu dư luận. Giảng viên David Ropeik chuyên về tư vấn khủng hoảng truyền thông tại Đại học Harvard đã nhìn nhận vấn đề: “Nó nằm ở chỗ họ đã tương tác với công chúng đang giận dữ, cảm thấy bị mất mát như thế nào. Ở đây, chưa hẳn hoàn toàn là một vụ xử về sai phạm hay hồ nghi về khoa học, dễ khiến người ta liên tưởng đến phiên xử nhà khoa học Galile”. 

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> 7 chuyên gia bị kết án tù vì không dự báo được động đất

Tin cùng chuyên mục