Phiên tòa giả, giá trị thật

Cùng là học viên của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TPHCM nhưng Phạm Văn Khải nhiều lần đe dọa, buộc Lê Viễn Phương (cùng 15 tuổi) phải giặt quần áo, rửa chén, lau nhà thay cho Khải.

Cùng là học viên của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TPHCM nhưng Phạm Văn Khải nhiều lần đe dọa, buộc Lê Viễn Phương (cùng 15 tuổi) phải giặt quần áo, rửa chén, lau nhà thay cho Khải.

Một hôm, Phương bệnh, nói không giặt được quần áo. Tức thì, Khải rút một chiếc muỗng bằng inox dài khoảng 20cm có đầu nhọn, đâm vào người Phương. Hậu quả, Phương bị thương tật 41%; còn Khải, trong phiên tòa hôm nay nhận bản án 6 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

Đó là nội dung phiên tòa giả định do Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và Đoàn Luật sư TPHCM tổ chức, với sự tham gia của 300 thiếu niên đến từ các cơ sở bảo trợ xã hội.

Sau phiên tòa, các em thiếu niên có dịp trao đổi, tìm hiểu kiến thức pháp luật xung quanh nội dung phiên tòa giả định và các tình huống pháp luật: Nếu Khải không dùng muỗng mà dùng dao thì sẽ nhận bao nhiêu năm tù? Nếu đi đường bị người khác dùng dao xin đểu, mình chống trả, trong lúc giằng co, con dao đó đâm vào đối tượng thì mình sẽ bị xử lý ra sao? Nếu 12 tuổi, giết người có bị bắt không?...

Trước những tình huống do các em đặt ra, luật sư tư vấn phải một phen toát mồ hôi bởi thực tế - trong tình hình bạo lực học đường nói riêng gia tăng và tính mạng con người nói chung nhiều khi bị coi rẻ, người ta cướp đi mạng sống của nhau vì lý do rất vớ vẩn thậm chí mất mạng chẳng bởi… lý do gì – cũng đã xảy ra nhiều vụ án tương tự. 300 em ngồi đây, mỗi em mỗi hoàn cảnh, song đều thiếu thốn sự thương yêu của cha mẹ. Nếu không được bù đắp, định hướng đầy đủ, những chuyện thương tâm hoàn toàn có thể xảy ra.

Luật sư Trần Thị Ngân Hà và các đồng nghiệp giảng giải, dù Khải dùng bất cứ hung khí nào, muỗng hay dao, mà gây thương tích cho người khác thì Khải đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình; bị xử phạt hành chính hay hình sự và số năm tù nhiều hay ít còn tùy theo tính chất, mức độ phạm tội. Còn khi bị người khác đe dọa gây thiệt hại trực tiếp cho mình, các em có thể sử dụng quyền phòng vệ để chống lại sự xâm hại và hành vi chống trả phải tương xứng với tính chất và mức độ xâm hại; nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá giới hạn của mình. 12 tuổi mà giết người, bản thân người gây án chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thì cha mẹ người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân; người gây án phải vào trường giáo dưỡng và quan trọng hơn là bản án lương tâm sẽ đeo đẳng suốt đời. Vì thế, các em nên sống hòa nhã, hạn chế tối đa những xích mích, mâu thuẫn. Và tuyệt đối, kể cả trong suy nghĩ, cũng không được nghĩ tới việc xâm hại tài sản, tính mạng người khác...

Một khi hiểu rõ các yếu tố cấu thành tội phạm cũng như hậu quả của phạm tội, các em sẽ biết cách điều chỉnh hành vi của mình, tránh vi phạm pháp luật. Những phiên tòa giả định như thế rất cần thiết. Càng cần thiết là sự đồng hành của mỗi chúng ta với con trẻ để chúng biết yêu thương, tôn trọng nhau hơn.

Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục