Theo Hãng thông tấn GMA, ngày 30-3, Philippines đã nộp hồ sơ lên Tòa án trọng tài Liên hiệp quốc về Luật Biển, chính thức khởi động vụ kiện Trung Quốc liên quan đến “đường chín đoạn” ở biển Đông, bất chấp vụ việc có thể khiến quan hệ Manila - Bắc Kinh trở nên căng thẳng.
Công khai thảo luận đường chín đoạn
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết khoảng 4.000 trang tài liệu đã được gửi lên Tòa án trọng tài Liên hiệp quốc tại The Hague, Hà Lan. Đây là những bằng chứng chống lại các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc.
Theo nội dung chính trong hồ sơ Philippines gửi lên Tòa án trọng tài Liên hiệp quốc (LHQ), “đường chín đoạn” do Trung Quốc đặt ra nhằm tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực ở biển Đông cách xa bờ biển gần nhất của nước này hơn 1.600km là bất hợp pháp, chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngoài ra, việc Philippines nộp đơn lên Tòa án trọng tài LHQ còn nhằm ngăn chặn các động thái mà Manila cáo buộc Bắc Kinh chiếm đóng và ngăn cản không cho tàu bè, ngư dân của Philippines tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines. Tiêu biểu là bãi cạn Scarborough mà phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, nơi đã xảy ra va chạm, căng thẳng giữa hai bên kéo dài gần 2 tháng vào giữa năm 2012.
Theo Antonio Carpio, một thẩm phán tòa án tối cao của Philippines, Manila không yêu cầu Tòa án trọng tài LHQ xác định chủ quyền tại khu vực có tranh chấp mà chỉ muốn làm rõ các quyền lợi được hưởng từ EEZ của Philippines. Theo lập luận của Manila, bãi cạn Scarborough cách bờ biển của Philippines khoảng 120 hải lý, trong khi nằm cách bờ biển của Trung Quốc hơn 350 hải lý.
Cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký UNCLOS, trong đó quy định rõ quyền hàng hải của các quốc gia và là phương tiện để giải quyết các tranh chấp về chồng lấn trên biển. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia phiên tòa này vì cho rằng đây là hành động “đơn phương” của Philippines. Ngày 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một lần nữa khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận hay tham gia vào sự phân xử quốc tế do Philippines đơn phương khởi xướng và thúc đẩy.
Giới quan sát nhận định phiên tòa có thể sẽ không đưa ra những phán quyết bất lợi cho phía Trung Quốc nhưng việc Philippines nộp đơn lên Tòa án trọng tài LHQ là động thái mở đường cho các cuộc thảo luận chính thức về vấn đề nhạy cảm trên tại tòa án này. Việc Manila nộp đơn lên tòa án này còn đánh dấu lần đầu tiên tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc sẽ chịu sự giám sát của cộng đồng quốc tế, của các chuyên gia về luật pháp hàng đầu thế giới.
Tháng 2 vừa qua, những nỗ lực của Philippines đã thu được kết quả. Danny Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về khu vực Đông Á, đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng: Cộng đồng quốc tế muốn Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố về “đường chín đoạn” sao cho phù hợp với Luật Biển quốc tế. Đây là lần đầu tiên, Washington công khai nhắc đến tuyên bố “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.
Tiếp tục va chạm
Một ngày trước khi Philippines nộp đơn lên Tòa án trọng tài LHQ, các tàu của Manila và Bắc Kinh lại có va chạm trên biển Đông. Theo Reuters, 2 tàu tuần duyên Trung Quốc đã cố ngăn 1 tàu của Philippines đưa binh sĩ và đồ tiếp tế cho đội quân đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre. Vụ việc xảy ra gần bãi Cỏ Mây trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam (tên quốc tế gọi là Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái).
Qua radio, phía Trung Quốc đã yêu cầu tàu Philippines dừng lại và cho biết Manila sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả mà tàu Philippines gây ra. Đáp lại, tàu Philippines cho biết họ đang làm nhiệm vụ cung cấp lương thực cho quân đội. Thuyền trưởng điều khiển tàu Philippines đã lái tàu đến vùng nước nông, nơi các tàu Trung Quốc không thể đi qua, và tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre. Con tàu cũ kỹ, rỉ sét bị mắc cạn trên bãi san hô kể từ năm 1999, trở thành biểu tượng cho sự hiện diện của Philippines ở khu vực tranh chấp.
Ông Hồng Lỗi cho rằng hành động của Philippines là nhằm “kích động” tuyên bố chủ quyền của nước này tại khu vực. Đây là sự cố thứ hai trong tháng, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
ĐỖ CAO (tổng hợp)