Theo báo Inquirer của Philippines, ngày 12-4, Philippines đã đưa thêm tàu bảo vệ biển tới khu vực bãi đá ngầm Scarborough (phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Theo Tư lệnh hải quân Philippines, Phó đô đốc Alexander Pama, chiếc tàu bảo vệ và cứu hộ biển dài 56m này sẽ “hỗ trợ chúng tôi tại khu vực tranh chấp”.
Cùng ngày, Philippines đã rút tàu Gregorio del Pilar (PF-15), tàu chiến lớn nhất của nước này khỏi khu vực đá ngầm Scarborough. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Philippines quyết định rút tàu chiến trong lúc cố gắng thương thuyết với Trung Quốc để chấm dứt tình trạng căng thẳng kéo dài 5 ngày qua tại khu vực này. Tuy nhiên, theo tư lệnh vùng, thiếu tướng Philippines Anthony Alcantara cho biết tàu chiến Gregorio del Pilar (PF-15) vẫn sẽ quanh quẩn trong khu vực lân cận bãi đá ngầm Scarborough.
Ngoại trưởng Albert del Rosario tỏ ra ngạc nhiên vì Trung Quốc trong ngày 12-4 đã đưa tiếp tàu hải giám thứ ba tới Scarborough. Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhấn mạnh rằng Philippines muốn chấm dứt vụ việc một cách hòa bình và các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc sẽ tiếp tục. Phát biểu với các phóng viên, ông Hernandez nói: “Điều quan trọng là chúng tôi đang thảo luận với Trung Quốc để tìm giải pháp ngoại giao công bằng và khả thi”.
Việc Philippines và Trung Quốc triển khai thêm tàu diễn ra sau khi có căng thẳng giữa tàu chiến PF-15 với hai tàu hải giám Trung Quốc ngày 11-4. Vụ việc bắt đầu hôm 8-4, khi Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá Trung Quốc tại Scarborough, cách đảo Luzon 124 hải lý về hướng Tây. Philippines khẳng định tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của nước này vì Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines được quốc tế công nhận. Sau đó, hai tàu hải giám Trung Quốc đã ngăn cản tàu PF-15 tiếp cận để bắt giữ ngư dân của Trung Quốc.
Theo Manila Times, một sĩ quan hải quân Philippines sau khi lên được một trong các tàu đánh cá Trung Quốc cho biết trên tàu có nhiều san hô, ngọc trai lớn và cá mập đánh bắt bất hợp pháp. Cho tới ngày 12-4, sự việc vẫn đang bế tắc. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã nói chuyện điện thoại với đại sứ Trung Quốc ở Manila, bà Mã Khắc Kính, nhấn mạnh rằng khu vực trên là “một phần lãnh thổ của Philippines”.
Bà Mã Khắc Kính được triệu đến Bộ Ngoại giao Philippines nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, cả hai nước đều tỏ ra cứng rắn, và liên tục đưa ra lời cảnh báo phía bên kia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố: “Chúng tôi đã chính thức gửi cho Philippines kháng thư về việc chiến hạm và tàu tuần tra Philippines quấy rối tàu cá và ngư dân Trung Quốc”.
Phía Trung Quốc cho rằng các tàu đánh cá này trú ẩn tránh biển động, đồng thời khẳng định đây là đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Philippines dừng các hành động bất hợp pháp và ngay lập tức rời khỏi khu vực này. Trung Quốc khăng khăng cho rằng các ngư phủ nước này được phép đánh bắt cá tại khu vực bãi đá ngầm nói trên. Theo THX, phía Trung Quốc cho biết đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines vẫn duy trì thảo luận với Bộ Ngoại giao Philippines để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Khánh Minh
- Đụng độ giữa tàu chiến Philippines và tàu hải giám Trung Quốc - Biển Đông lại dậy sóng