
Sau khi bộ phim Monkey King: Hero Is Back (Đại thánh quy lai) trở thành phim hoạt hình Trung Quốc đạt doanh thu 153 triệu USD năm 2015, nhiều người đã đặt kỳ vọng vào 2 bộ phim hoạt hình mới ra rạp là Bigfish & Begonia (Đại ngư hải đường) và Rock Dog (Dao cổn tạng ngao).
Cả 2 bộ phim này đang gây tranh cãi lớn về chất lượng. Hai bộ phim này đều trải qua quá trình sản xuất dài và cẩn thận. Giới hâm mộ hoạt hình Trung Quốc đại lục những tưởng 2 bộ phim này sẽ một lần nữa làm tăng thanh thế của nền hoạt hình Trung Quốc và lập nên những kỷ lục mới, thế nhưng kết quả lại là kỳ vọng càng to, thất vọng càng lớn.

Một cảnh trong phim Đại ngư hải đường
Dao cổn tạng ngao được dàn dựng theo cuốn truyện tranh Tibetan Rock Dog của ngôi sao rock Trung Quốc Trịnh Quân. Để đưa được nguyên tác truyện tranh lên màn bạc, Trịnh Quân đã mở một công ty chuyên về hoạt hình, trong 6 năm dàn dựng, ông đã bỏ hết tất cả sự nghiệp âm nhạc vốn là nghề hái ra tiền của mình để toàn tâm toàn ý cho bộ phim.
Thực ra, bộ phim đã thực hiện xong từ năm 2012, nhưng vì cảm thấy chưa “đã” với tạo hình nhân vật, hiệu ứng hình ảnh nên dù đã chi hơn 35 triệu USD để làm phim, Trịnh Quân đã quyết định dời thời gian công chiếu để trau chuốt, hoàn thiện cho bộ phim tận thiện, tận mỹ. Phim do hãng phim Hoa Nghị Huynh Đệ sản xuất, kể về Bodi, một chú chó Tây Tạng khổng lồ bị ám ảnh với một rocker mèo tên là Angus. Bodi phải chứng minh cho cha mình rằng con đường trở thành một rocker chuyên nghiệp hoàn toàn xứng đáng với cuộc đời của một chú chó.
Thế nhưng, bộ phim hoạt hình 3D này chỉ thu được vỏn vẹn 3,8 triệu USD sau 1 tuần ra rạp, thêm vào đó, phim lại dính bê bối khi người ta đã phanh phui ra “các buổi chiếu ma”, tức là lượng vé xem được bán cho một lượng khán giả không tồn tại nhằm thổi phồng doanh thu phim.
Đại ngư hải đường cũng được thai nghén và ra đời khó khăn không kém, hai nhà làm phim trẻ Lương Tuyền và Trương Xuân lấy cảm hứng từ một điển tích trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, triết gia và tác gia Đạo giáo thời Chiến quốc và kết nối, vay mượn từ nhiều tác phẩm kinh điển Trung Quốc khác như Sơn Hải Kinh và Sưu thần ký.
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về tình bạn cảm động của 3 nhân vật: Xuân, Tưu và Côn. Xuân thuộc thế giới của thần, là người thừa kế của gia tộc người cá nên có khả năng điều khiển sự sinh trưởng của vạn vật. Lớn lên cùng cô còn có Tưu, cậu bé mồ côi của gia tộc gió, chuyên quản lý gió mùa thu. Vào ngày sinh lần thứ 16, Xuân đã trốn lên trần gian dạo chơi, không may bị mắc kẹt vào một cơn lốc xoáy lớn. Một cậu bé làng chài tên Côn đã dũng cảm lao vào cứu cô và đã mất mạng bởi cơn sóng dữ.
Trong quá trình quảng bá phim, nhóm làm phim tuyên bố họ đã mất 12 năm mới hoàn tất tác phẩm này. Công sức của họ bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng khi lập kỷ lục phòng vé với doanh thu 11,14 triệu USD trong ngày đầu ra rạp và thu về 33,47 triệu USD trong tuần mở màn.
Hai đạo diễn nói rằng họ muốn truyền đi thông điệp về cảm xúc đơn thuần chứ không phải là một câu chuyện sáo rỗng về một mối tình tay ba và họ mong muốn câu chuyện trong phim được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dựa theo trải nghiệm cuộc sống riêng của từng người.
Tuy thành công về doanh thu song nội dung phim bị chê không tiếc lời. Dù có nhiều cảnh quay đẹp, nhưng nhiều khán giả đánh giá nội dung phim “nhàm chán, ngô nghê và sáo rỗng”, khai thác một cách hời hợt các huyền thoại Trung Quốc và điển tích cổ. Có người còn tuyên bố phim sao chép phong cách của nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản từng đoạt giải Oscar Hayao Miyazaki. Một nhà phê bình thậm chí còn tỏ ra chua chát: “Nhóm làm phim nói rằng họ đã mất 12 năm xúc tiến dự án này, nhưng tôi thấy chỉ cần mất 2 năm để phát triển một cách nghiêm túc và trau chuốt kịch bản phim. Phim hoạt hình đại lục vẫn chỉ là cái bóng của Hollywood về hiệu ứng và càng không thể so được với chất nghệ thuật manga Nhật Bản vì rằng dù có thừa thời gian, tâm huyết, tiền bạc…, nhưng lại thiếu điều quan trọng nhất là ý tưởng sáng tạo và cái nhìn rộng mở phóng khoáng”.
THẾ HÀM