
Ngoài rạp, hết “Shrek”, “Wall-E”, giờ đến lượt “Up” giành được sự hâm mộ của khán giả. Trên truyền hình, khán giả nhí no nê trước những bộ phim hoạt hình vui nhộn của Cartoon Networks, Disney Channel... Ngay cả kênh hoạt hình Bibi do Việt Nam sáng lập cũng vắng bóng phim hoạt hình Việt.
Kém hấp dẫn
Hiện nay cả nước chỉ có một Hãng phim hoạt hình Việt Nam hoạt động nhưng lại nằm trong hệ thống điện ảnh. Những sản phẩm của hãng chủ yếu đi tham dự liên hoan phim trong và ngoài nước chứ khán giả chưa biết đến nhiều. Những bộ phim hoạt hình như: Hiệp sĩ trán dô, Lớp học bồ câu... cứ lần lượt trình chiếu rồi mất hút trong tâm trí của khán giả.
Có thể kể ra hàng tá lý do khiến phim hoạt hình Việt Nam chưa được khán giả đón nhận như: cốt truyện không hấp dẫn, không mới lạ, lời thoại chưa được súc tích, nhân vật không sống động và bắt mắt v.v… Chỉ từng đó thôi, cũng đủ để khán giả - nhất là khán giả nhí - quay lưng với hoạt hình Việt.
Trong khoảng thời gian gần đây, trung bình mỗi năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đơn vị “anh cả” và nhiều năm là độc tôn, sản xuất trên dưới chục phim, mỗi phim có thời lượng từ 5 - 10 phút, tối đa là 20 phút. Do không hấp dẫn và thời lượng ngắn làm phim hoạt hình Việt Nam khó tìm đầu ra vì nếu sản xuất dưới dạng phim nhựa thì không đủ thời gian để chiếu ở rạp, còn chiếu trên truyền hình thì phải có những phim nhiều tập!
Trước đây, phim truyền hình Việt Nam dù không hay nhưng vẫn có một số lượng phim Việt “buộc” nhà đài phải phát sóng. Trong khi đó, trung bình hơn 1 tháng trẻ em mới được xem một bộ phim hoạt hình Việt Nam.
Chính nhờ vào khung giờ phát rộng rãi, thu hút đầu tư của tư nhân mà phim truyền hình Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, còn phim hoạt hình Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ.
Hoạt hình 3D: giấc mơ xa xỉ?
Nhắc tới hoạt hình là nhắc đến công nghệ 3D đã tạo nên thành công cho thể loại này trên thế giới. Những người có tâm huyết với hoạt hình nước nhà cũng không muốn bị lạc hậu nhưng xem ra sân chơi 3D xem ra vẫn còn quá xa xỉ.
Lần lượt từ phim của nhà nước như: Giấc mơ của ếch xanh (Viện phim Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng hợp tác sản xuất) cho đến những phim do tư nhân sản xuất như: Chuyện hai chiếc bình (Hãng phim Areka), Chuyện khu vườn (Hãng phim tư nhân Dofilm) v.v… đều nhanh chóng bị quên lãng vì không cạnh tranh được với thị trường phim ngoại vốn phong phú, đa dạng, kỹ thuật cao và hấp dẫn hơn.

Phim hoạt hình “Chuyện khu vườn”.
Một bộ phim hoạt hình 3D dài khoảng 10 phút cần phải đầu tư 120 - 130 triệu đồng, đắt gấp 2 - 3 lần so với phim hoạt hình 2D. Sản xuất quá tốn kém và khó thu hồi vốn nên các hãng tư nhân không mặn mà đầu tư, còn hầu hết sinh viên học đồ họa 3D không chọn nghề sản xuất phim hoạt hình mà đầu quân vào các công ty giải trí, sản xuất trò chơi trực tuyến. Do vậy, phim hoạt hình 3D Việt Nam vẫn loay hoay, khó phát triển trong một tương lai gần…
Đổi mới cách làm phim
So về công nghệ, kỹ xảo và kinh nghiệm rõ ràng ta kém xa những người khổng lồ Walt Disney, Pixar… nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến khán giả quay lưng với phim hoạt hình Việt Nam. Phim hoạt hình vốn dĩ dành cho khán giả nhỏ tuổi, nhưng có lẽ những người làm phim vẫn chưa hiểu hết được thị hiếu của các em, mà cứ mang những nghĩ suy, tâm lý của người lớn phủ lên những bộ phim.
Thêm nữa, sự thiếu đầu tư chất xám trong việc tạo hình nhân vật cũng gây nên sự nhàm chán. Những nhân vật cứ mờ nhạt, na ná nhau nói những câu kiểu như người lớn, thiếu chất hồn nhiên, vô tư của trẻ em.
Trẻ em bây giờ dễ dàng tiếp xúc với nhiều sản phẩm công nghệ cao, nên các em sẽ không chấp nhận những bộ phim có nội dung dễ dãi, đơn giản. Thiết nghĩ, phim hoạt hình Việt muốn phát triển thì ngoài việc trang bị công nghệ hiện đại, cần cải tiến cách làm phim, đầu tư cho những kịch bản thú vị, tạo hình nhân vật ấn tượng…
MAI BỬU HOÀNG HƯNG