Dù đã hình thành một vài phim trường được giới làm phim tin cậy, nhưng nhìn chung, tại Việt Nam, phim trường đúng chuẩn quốc tế vẫn đang trong thời gian vận hành – cái chưa quy hoạch xong, cái chờ phê duyệt dự án, cái còn đang xây dựng dang dở…
Ngổn ngang nỗi niềm
Cái khó, cái khổ khi không có phim trường ai làm phim cũng từng phải nếm trải qua. Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết: “Vì không có phim trường nên khi làm phim Long Thành cầm giả ca chúng tôi phải đi chọn cảnh thật, sau đó sửa chữa, thêm thắt cho ra bối cảnh phim và đó là một hành trình rất vất vả”. Đạo diễn Phương Điền chia sẻ về việc thuê nhà dân làm bối cảnh: “Mới đầu họ đồng ý, nhưng khi đoàn đến, họ lại không cho vì tưởng chỉ có ít người, dè đâu nhiều quá vào hư nhà nên không cho nữa. Khổ nhất là trong phim có cảnh người chết, đám ma hay công an vào nhà khám xét bắt người; chủ nhà biết có cảnh ấy là kiên quyết đuổi ra. Có phim trường, đoàn phim sẽ đỡ vất vả. Có thể chủ động về giờ giấc, thời gian, lịch quay…”.
Nhưng theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, xét về tài chính và tình hình làm phim tại Việt Nam hiện nay, quay phim trong phim trường là không phù hợp lắm. “Quay trong phim trường thật ra rất khó và tốn kém. Đội ngũ thực hiện cảnh quay trong phim trường phải được đào tạo bài bản, chính quy, đặc biệt là với họa sĩ; bố trí ánh sáng, các điểm đặt máy quay… Nếu không giỏi, nhìn bối cảnh biết giả ngay, mà như thế người làm phim cũng mất hết cảm xúc rồi. Vì thế theo tôi, chọn cảnh thật và dựng trên cảnh thật là cách làm tốt nhất” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã từng phải dựng rất nhiều cảnh xưa trong bộ phim Khát vọng Thăng Long, từ chính những khung cảnh có sẵn. Tốn kém rất nhiều tiền, nhưng khi đoàn phim dời đi cũng là lúc bối cảnh bị xóa bỏ. Chính vì thế, việc phục dựng một dãy nhà cổ, một khu phố cổ trong khuôn khổ một phim trường lớn, sau đó bối cảnh được giữ lại để các đoàn phim sau có chất liệu tiếp tục khai thác, mới mong phát huy được hiệu quả từ phim trường và các đoàn phim cũng tiết kiệm được kinh phí.
Kế hoạch lâu dài!
Đáng mơ ước và thật sự sẽ là một phim trường bề thế là phim trường của HTV, có diện tích gần 50ha tại Củ Chi, được thành phố giao đất từ năm 2001, nhưng hiện nay, cơ sở vật chất của phim trường này vẫn chưa có gì ngoài những rừng cây hoang vắng. Mới đây vì lo lắng bị người dân lấn đất, HTV đã cho triển khai công trình xây cổng rào. Trong khi đó, phim trường Cổ Loa với diện tích 15ha, sau một thời gian dài bỏ hoang, mới đây đã xây dựng xong giai đoạn 1 với kinh phí 106 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Bộ VH-TT-DL. Các công trình đã hoàn thành gồm có: 1 trường quay nội (450m²) được trang bị dàn âm thanh, ánh sáng điều khiển bằng hệ thống điện tử trị giá 31 tỷ đồng; 2 nhà công vụ (gồm 33 phòng ngủ) cho các đoàn phim đến ở và một trường quay ngoại với các cảnh quan cây cối, ao hồ.
Dự kiến giai đoạn 2 đến năm 2013 đầu tư làm 5 trường quay lớn, nhỏ; 2 nhà kỹ thuật hậu kỳ (mỗi nhà 1.200m²); 1 nhà điều hành trung tâm (9 tầng); 1 cụm rạp chiếu duyệt phim. Toàn bộ thiết kế quy hoạch và lập dự án phim trường Cổ Loa do phía Hàn Quốc thực hiện. Khi mọi thứ còn ngổn ngang, phim trường Cổ Loa đã là bối cảnh cho các bộ phim: Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô, Thiên mệnh anh hùng và hiện nay là Tiếng nói bên phải. Một phim trường khác HappyLand tại Long An, cũng đang hứa hẹn sẽ là một phim trường lớn nhất Việt Nam, diện tích 1.200ha do Tập đoàn Khang Thông đầu tư, với tổng vốn 400 triệu USD. Tuy nhiên, dự án mới trong giai đoạn hoàn thành cơ sở hạ tầng (làm đường, đặt ống cống) cho 350ha.
Ngoài ra phải kể đến một số phim trường có diện tích nhỏ hơn, nhưng đã là những địa chỉ quen thuộc với các đoàn làm phim và hoạt động khá hiệu quả, như phim trường của Công ty BHD (quận 9), Hãng phim Chánh Phương (quận 12)… Tuy nhiên, cũng đã có phim trường bị xóa sổ vì ít hiệu quả và phải trả lại mặt bằng như Vision 21, hay dự án phim trường “Cánh đồng ước mơ” rộng 20ha tại Bình Dương, triển khai từ năm 2008 đến nay vẫn mãi chỉ là… mơ ước!
Như Hoa