Phổ biến pháp luật đến đồng bào các dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, TPHCM rất quan tâm việc phổ biến, giáo dục pháp luật - nhất là pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) - đến  người dân ở địa bàn dân cư. Với phương châm “đối tượng nào có cách làm đó”, đã có nhiều cách làm hay trong việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cư dân các dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer.
Phổ biến pháp luật đến đồng bào các dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, TPHCM rất quan tâm việc phổ biến, giáo dục pháp luật - nhất là pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) - đến  người dân ở địa bàn dân cư. Với phương châm “đối tượng nào có cách làm đó”, đã có nhiều cách làm hay trong việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cư dân các dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer.

Nhóm văn nghệ Gia Định trình diễn kịch nói lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật

Những cách làm đi vào chiều sâu

Tại TPHCM, đồng bào Chăm, Hoa, Khmer sống ở hầu hết các quận - huyện, tập trung tại các quận 3, 5, 11. Chính quyền TPHCM và các quận - huyện rất quan tâm chăm lo đời sống, trang bị kiến thức văn hóa và kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ 3 năm nay TPHCM đã triển khai thực hiện Chương trình đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông Tăng Cẩm Vinh, Phó Trưởng ban Dân tộc TPHCM, cho biết: “Các kiến thức pháp luật thường khô khan, khó hiểu. Do vậy để đưa được kiến thức pháp luật đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải thật chu đáo và kiên trì. Đến nay, với nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, kiến thức pháp luật đã thấm dần vào đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Hàng năm, Ban Dân tộc TPHCM xây dựng kế hoạch, hướng  dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc đầu tiên là tổ chức đội ngũ tuyên tuyền viên, báo cáo viên để có thể thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các quận - huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn tổ chức biên soạn, biên dịch, phát hành các tài liệu pháp luật bằng tiếng Chăm, Hoa, Khmer. Các tuyên truyền viên đến từng gia đình để nói cho cư dân rõ các quy định pháp luật. Các buổi báo cáo viên nói chuyện cho nhiều người bà con cùng dự cũng được tổ chức thường xuyên. Một số quận - huyện xây dựng chuyên trang “Pháp luật và cuộc sống” trên trang thông tin điện tử, xây dựng video clip câu chuyện pháp luật; tổ chức các cuộc thi cho đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu pháp luật; lập đội văn nghệ  với những vở tuồng, kịch lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật.  

Việc phát huy quyền dân chủ của người dân trong thực hiện quyền KN-TC được chính quyền cơ sở chú trọng, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật giúp bà con hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc KN-TC và nâng cao trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật. Theo đánh giá của UBND TPHCM, không chỉ các báo cáo tuyên, tuyên truyền viên tham gia thực hiện Chương trình đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, mà các tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp đã vào cuộc. Trong 3 năm,  các quận huyện đã tổ chức 1.560 buổi tuyên truyền cho trên 45.000 lượt người dân tộc thiểu số tham dự. Điều đáng ghi nhận là từ đó có thêm nhiều người dân trở thành tuyên truyền viên tích cực phổ biến kiến thức pháp luật ở cộng đồng dân cư.

Số lượng đi đôi với chất lượng

Chính quyền các cấp ở TPHCM đã chọn lọc chương trình, các nội dung pháp luật quan trọng, cấp thiết để tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số và đề ra yêu cầu số lượng phải đi đôi với chất lượng. Nội dung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được chú trọng phổ biến vì nội dung sát sườn với đời sống người dân, bám sát việc thực hiện Đề án 1-1133 tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật KN-TC ở xã, phường. Các văn bản pháp luật quan trọng khác  được đưa vào chương trình tuyên truyền là Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Cán bộ công chức, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia. Phổ biến kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc, không chỉ giúp bà con tự bảo vệ mình, mà còn góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo được sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết: “Chương trình phổ biến pháp luật đã lồng ghép với  tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của bà con, phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc theo hướng tích cực. Người dân tạo ra sức đề kháng để cảnh giác trước những âm mưu của kẻ địch đang phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục