Phổ cập bơi lội cho học sinh: Còn chủ quan, dễ dãi

Sau 3 năm ngành GD-ĐT triển khai chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh để hạn chế nạn đuối nước, đến nay nhiều trường tại TPHCM đã rất quan tâm tổ chức dạy bơi. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế do thiếu hồ bơi, thiếu hướng dẫn viên.
Phổ cập bơi lội cho học sinh: Còn chủ quan, dễ dãi

Sau 3 năm ngành GD-ĐT triển khai chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh để hạn chế nạn đuối nước, đến nay nhiều trường tại TPHCM đã rất quan tâm tổ chức dạy bơi. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế do thiếu hồ bơi, thiếu hướng dẫn viên.

        Bất an

Nhiều phụ huynh hoang mang, lo ngại sau khi xảy ra vụ em Quách Gia Phú, học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải (quận Tân Phú) chết đuối vào ngày 6-3-2014 khi đang học bơi. Trước đây cũng đã từng xảy ra vụ em Đỗ Hoàng Phương Anh, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trương Văn Hải (quận Thủ Đức) chết đuối vào ngày 8-11-2012 khi đang học bơi. Thế nên trong những ngày gần đây, nhiều phụ huynh lo lắng tới tận hồ bơi nơi nhà trường đưa học sinh tới học bơi, để trông chừng con.

Tại hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, chị Vũ Thị Mai Thảo (có con học Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1) chia sẻ: “Từ khi hay tin có học sinh bị chết đuối ngay trong giờ học bơi, tôi lo lắm. Vì cháu chưa từng biết bơi, nên tôi phải tới để ngó chừng, đến khi cháu đã bơi quen rồi mới yên tâm”. Ít ai ngờ rằng học sinh bị chết đuối ngay trong hồ bơi và trong giờ học bơi. Sự việc rất đáng tiếc đó đã gây ra tâm lý lo lắng của phụ huynh, không tin cậy vào việc tổ chức dạy bơi của các trường.

Anh Trần Quốc Vũ, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), băn khoăn: “Đã giảng dạy thì cần phải có giáo án, sẽ chẳng trường nào đồng ý với nội dung giáo án thiếu hẳn phần kiểm tra thực tế để phân loại học sinh. Không thể chỉ hỏi xem ai đã biết bơi rồi cho các em tự do bơi lội trong hồ bơi có chỗ sâu tới 2m. Để xảy ra tai nạn này, cho thấy nhà trường đã chủ quan giao phó toàn bộ chương trình dạy cho đơn vị được thuê để dạy bơi cho các em”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học bơi.

Giáo viên hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học bơi.

Qua thăm hỏi ý kiến phụ huynh ở một số trường trên địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, về vụ tai nạn khiến học sinh Quách Gia Phú chết trong giờ học bơi, chúng tôi nhận thấy các phụ huynh đều cho rằng Trường THCS Trần Quang Khải đã mạo hiểm khi giao 102 học sinh cho 3 giáo viên quản lý trong môi trường nước. Như vậy, 1 giáo viên làm nhiệm vụ giám sát, còn lại 2 giáo viên dạy, mỗi người vừa dạy vừa quản lý hơn 50 học sinh là quá nhiều. Với số lượng này, ngay cả khi học sinh ngồi trong phòng học cũng không dễ quản lý. Đến lúc này, sau vụ tai nạn chết người, quan sát tại hồ bơi trong Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình, chúng tôi vẫn thấy tình trạng mỗi giáo viên quản lý tới 40 học sinh.

        Phối hợp đồng bộ

Trong khi nhiều địa phương vẫn đang lúng túng, bị động trong việc tổ chức phổ cập bơi lội cho học sinh thì sau 3 năm thực hiện, quận 1 đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên viên phụ trách thống kê, phong trào của Phòng GD-ĐT quận 1, Phòng GD-ĐT đã phối hợp tốt với Trung tâm TDTT và ban giám hiệu các trường lên kế hoạch cụ thể về chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh lớp 3 tất cả các trường tiểu học trên địa bàn quận 1. Quận đã điều động tất cả các hồ bơi trên địa bàn thuộc sự quản lý của Phòng TDTT để thực hiện chương trình, nhằm đảm bảo chất lượng hồ bơi an toàn và giáo viên đạt chuẩn.

Ông Hồ Công Nghĩa (Phó Chủ nhiệm CLB TDTT Nguyễn Bỉnh Khiêm, kiêm chủ nhiệm bộ môn bơi lội) cho biết, tất cả những giáo viên dạy bơi đều phải có chứng chỉ hướng dẫn bơi lội và chứng chỉ cứu hộ do Liên đoàn Thể thao dưới nước TPHCM cấp. Trong quá trình giảng dạy, liên đoàn thường xuyên đi kiểm tra đột xuất các hồ bơi, chất lượng nước, trang thiết bị cứu sinh, kỹ năng và các chứng chỉ của giáo viên nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện khi đứng lớp. Để đảm bảo an toàn, ông Nghĩa chia sẻ: “Khi vừa nhận lớp mới, điều đầu tiên là phải kiểm tra sơ bộ để đánh giá và phân loại học sinh, bằng cách tất cả đều phải sử dụng phao bơi và xuống hồ cạn nhất theo từng nhóm nhỏ. Giáo viên sẽ quan sát xem những em nào có kỹ năng bơi thì tách nhóm chuyển sang hồ sâu hơn. Sau 2 - 3 buổi học, các em đã biết bơi mới được tháo phao, mỗi khóa học, các em sẽ phải trải qua ít nhất 3 lần kiểm tra để tách nhóm trước khi đưa vào bơi ở mức nước sâu nhất. Để đảm bảo an toàn và kết quả học tập cao, chúng tôi luôn cử 10 giáo viên trực tiếp giảng dạy và 3 giáo viên giám sát cùng với bảo mẫu của các lớp. Mỗi giáo viên chỉ có thể quản lý 10 em là vừa sức”.

Ông Hải cho biết thêm, sau mỗi khóa học có khoảng 80% - 85% trẻ biết bơi (bơi 25m), các em sẽ được trung tâm cấp giấy chứng nhận, còn những em không đạt sẽ được tiếp tục tập luyện. Sau mỗi năm, học sinh trên địa bàn quận 1 đã từng được phổ cập bơi đều phải quay lại hồ để kiểm tra và củng cố lại kỹ năng bơi, tránh trường hợp các em quên do lâu ngày không được luyện tập.

MINH VÂN

Tin cùng chuyên mục