

Từ nội thành Hà Nội, theo đường Nguyễn Thái Học- Kim Mã đến Cầu Giấy rẽ tay trái vào đường Láng chừng vài trăm mét thì đến phố Chùa Láng. Gọi là phố Chùa Láng vì con phố này đi qua Chùa Láng, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Hà Nội.
Chùa được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông (1128-1138) thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tổ thứ 12 của Thiền Tông Phái vì vậy chùa có tên chữ là Chiêu Thiền Tự. Ba chữ này được khắc trên cổng chùa.
Chùa Láng đã được chính quyền và nhân dân tu sửa lại trong năm 1994-1995 nay trở nên rất khang trang (ảnh 1). Chùa Láng được coi là một di tích có bề dày lịch sử, có phong cảnh thiên nhiên hòa quyện với công trình kiến trúc.
Đến thăm Chùa Láng, du khách sẽ ngạc nhiên gặp lại bóng dáng của làng quê Bắc bộ thuở xưa với cây đa, quán nước rất thanh bình ở ngay cổng chùa (ảnh 2). Trước đây, chùa thuộc địa phận làng Yên Lãng (Từ Liêm) nay thuộc phường Láng quận Cầu Giấy. Chỉ cách đây chừng dăm năm, khu Chùa Láng vẫn còn rất yên tĩnh. Con đường đi qua trước cổng chùa chỉ là một con đường làng nhỏ.
Đến nay, con đường này đã được mở rộng, nối liền đường Láng với phố Nguyễn Chí Thanh, đi qua cổng 2 trường đại học lớn là Đại học Ngoại thương và Học viên Quan hệ quốc tế. Phố Chùa Láng nhanh chóng trở thành một con phố sầm uất (ảnh 3). Nhà cửa phố xá mọc lên, đất đai canh tác của cư dân làng Láng xưa dần thu hẹp lại. Ngày nay, nếu đi trên phố Chùa Láng, du khách không còn tìm thấy những thửa ruộng trồng loại rau húng Láng nổi tiếng như những ngày xưa nữa.


VĂN ĐỨC