Được khởi động từ năm 1998, sau 3 lần được xới lên rồi lại trì hoãn vì nhiều lý do, mới đây, đề án di dân phố cổ Hà Nội lại được tái khởi động với nhiều quyết tâm của lãnh đạo TP. Mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Chủ trương di dân ra khỏi phố cổ không phải xuất phát từ mục tiêu xây dựng hay tái tạo lại cái gì mà chính là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ”.
Thế nhưng, nếu làm được việc này cũng đồng nghĩa với việc người dân có thể hy vọng phố cổ Hà Nội sẽ trở lại vẻ cổ kính, thanh bình như nó đã từng có chứ không xô bồ, quá tải đến mức phá vỡ nhiều giá trị cổ xưa.
Khoan bàn về kiến trúc của phố cổ có thực là cổ hay chỉ nên gọi là phố cũ bởi tuổi thọ của nó chỉ hơn 100 năm, chúng ta hãy chỉ nói đến một phố cổ Hà Nội trong tâm trí của người Việt và một phố cổ có nhiều hấp lực đối với du khách bằng chiều sâu khó đo đếm. Nhưng tiếc thay, thời gian không nhiều nhưng cũng đã quá đủ để tốc độ phát triển chung của TP đẩy nhanh những nét đẹp riêng của Hà Nội lùi vào ký ức. Và ký ức đó cứ đang xa dần đến mức nhiều người yêu Hà Nội cảm thấy xót xa, nuối tiếc.
Những nét kiến trúc cổ xưa đã bị khuất lấp bởi những biển hiệu quảng cáo đủ màu, đủ kích cỡ. Những ngôi nhà cổ bị cải tạo một cách thực dụng bất chấp phối cảnh chung khiến phố cổ thay hình đổi dạng. Và trong bộn bề phố xá, những gánh hàng rong, những tiếng rao đêm giờ chỉ còn thuần túy mưu sinh vội vàng, nó không còn ẩn chứa hồn phố cổ da diết như thuở nào… Vậy chúng ta sẽ bảo tồn ra sao để phố cổ Hà Nội trở về đúng như nó đã và đang tồn tại trong lòng người yêu Hà Nội?
Có thể nói, Hà Nội cũng đã có những kinh nghiệm và thành quả nhất định trong việc bảo tồn phố cổ. Năm 1999, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây được cải tạo thí điểm theo một dự án có sự hợp tác giữa hai TP Hà Nội và Toulouse (Pháp). Từ đó, ngôi nhà này đã trở thành “ngôi nhà di sản” - là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa đậm chất Hà thành. Năm 2000, nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa) tiếp tục được bảo tồn, là nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại.
Năm 2010, dự án trùng tu thí điểm tuyến phố Tạ Hiện cũng đã đi vào thực hiện. Thế nhưng, chừng ấy chỉ càng khiến cho những người yêu Hà Nội thêm hụt hẫng. Thật sự là một bài toán khó, nhất là khi phố cổ đang oằn mình bởi mật độ dân số lên tới 840 người/ha. Rõ ràng, chỉ chừng nào bài toán di dân phố cổ được giải, chúng ta mới có thể hy vọng giải tiếp bài toán bảo tồn phố cổ Hà Nội như thế nào.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, nhu cầu giãn dân phố cổ là khoảng 26.200 người (tương ứng với 6.550 hộ). Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40ha. Ngay sau khi được TP phê duyệt đề án, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ, phấn đấu tới cuối năm 2011 có thể khởi công xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.
Kế hoạch rõ ràng và gấp rút là vậy nhưng không hiểu sao cho đến thời điểm này, người dân phố cổ vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc triển khai kế hoạch này. Nhiều người lại lo ngại rằng, không biết kế hoạch giãn dân phố cổ lần này có thực hiện được hay lại một lần nữa xới lên rồi để đó? Và phố cổ Hà Nội không biết có đủ sức để chờ đợi thêm nữa?
Bích Quyên