
Không biết từ bao giờ, đường Lê Thánh Tôn trở thành nơi quy tụ khách Nhật, thu hút nhiều người Nhật lẫn người Việt đến đầu tư, thành lập cửa hàng, quán ăn phục vụ theo phong cách xứ Phù Tang. Về sau, quán ăn Nhật mở rộng phạm vi ra những đường lân cận như Đông Du, Hai Bà Trưng, Thái Văn Lung, Thi Sách.

Món sushi
Khi sự cạnh tranh tăng, cũng như sự sành điệu của thực khách nâng cao, các quán ăn tại đây cũng thay đổi từ khâu bài trí phòng ốc, cung cách phục vụ của nhân viên đến những nguyên liệu chế biến thức ăn. Phòng ăn được ngăn ra bởi cửa trượt fusuma, sàn được lót bằng chiếu tatami đúng kích cỡ 0.9x1.8m. Hầu hết nhân viên của những quán ăn Nhật tại đây có thể giao tiếp lưu loát với khách. Do khí hậu ở Sài Gòn luôn nóng ẩm nên nhân viên không thể mặc áo Kimono (áo có nhiều lớp) khi làm việc, thay vào đó là áo Yukata (loại áo một lớp).
Đa phần nguyên liệu chế biến của các quán ăn Nhật đều được nhập từ Nhật: từ loại gạo chế biến sushi, nigiri (cơm vắt), cá hồi dành cho món Sashimi đến những bó mì để làm món soba. Thậm chí có nơi còn phục vụ cơm hộp kiểu Nhật, thường gọi là bento. Do phần đông những món ăn truyền thống của Nhật đều phải ăn sống kèm theo wasabi (mù tạt) nên quá trình chế biến phải thật sự vệ sinh và cẩn thận. Có lẽ vì nguyên nhân này mà giá món ăn Nhật tại đây rất cao. Nhiều người Sài Gòn vào quán Nhật chủ yếu để “thưởng thức cho biết” chứ không phải để “ăn cho no”.
Không chỉ có quán ăn, “phố Nhật Bản” còn là nơi tập trung khá nhiều người Nhật, từ du khách vãng lai, sinh viên du học đến những người Nhật làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Dù khả năng tài chính có thể cho phép nhiều người Nhật sống thoải mái trong những căn hộ thuê đắt tiền tại khu trung tâm nhưng cảm giác ấm cúng ở những khu nhà trọ trên đường Lê Thánh Tôn yên tĩnh, ngay giữa lòng “phố Nhật Bản” vẫn đem đến cho họ sự lôi cuốn vô hình. Không thường xuyên xuất hiện với những trang phục truyền thống vì nhu cầu tiện dụng trong đời sống hàng ngày nhưng người Nhật tại “phố Nhật Bản” vẫn khắc được một dấu ấn giữa lòng Sài Gòn.
SƠN BẢN