Trong khi xã hội đang bị cuốn vào lối sống hiện đại, tất tả đi về phía trước, thì ông K’Brọh ở thôn Ka Ming (xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lại “đi ngược thời gian” để sưu tầm, góp nhặt những gì thuộc về quá khứ nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của buôn làng.
Vác tù và hàng tổng
Gần 12 giờ đêm, khi buôn làng Ka Ming đang chìm vào giấc ngủ thì vẫn còn ánh đèn sáng trưng phát ra từ ngôi nhà nhỏ được bao bọc quanh những đồi cà phê tít tắp. Bên chiếc bàn làm việc chỉ vừa đủ để những tập tài liệu và hình ảnh, một người đàn ông dáng người rám nắng đang trầm ngâm suy nghĩ, thi thoảng lại cặm cụi ghi ghi, chép chép rất tỉ mẫn. Đó là ông K’Brọh, dù đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn khỏe mạnh và tinh anh, mang trong mình nhiệt huyết sưu tầm những câu chuyện cổ tích, những phong tục, tập quán của người K’Ho cổ xưa.
Ông K’Brọh hàng ngày miệt mài sưu tầm văn hóa của người K’Ho
Nhiều năm lặn lội đến từng nhà, gặp gỡ các già làng để ghi chép, biên soạn, đến nay ông K Brọh đã sưu tầm gần 20 truyện cổ tích như: K’Lah Brah Yang, Lũ Drơ Kla, Thỏ và Rùa, Thỏ và Cọp… Bên cạnh đó, ông K’Brọh còn dành nhiều thời gian tìm hiểu các luật tục của cộng đồng người K’Ho xưa. Các phong tục như: cưới, hỏi, ma chay được ông ghi chép cẩn thận. Ông cho biết: “Muốn làm được điều này, tôi đi tìm những tư liệu xưa rồi biên soạn lại theo lối viết hiện nay. Công việc tốn nhiều thời gian, phải siêng đi từng buôn, từng vùng để nghe bà con kể. Tôi ghi âm lại lời bà con kể, sau đó về viết lại”.
Có khi cũng một câu chuyện nhưng có nhiều dị bản, một luật tục nhưng mỗi thôn có cách làm khác nhau. Trên cơ sơ đó, ông phải đi nhiều nơi, chắt lọc từng tiêu chí chung giống nhau để tạo thành một bản chính có giá trị nhất. Trước khi đánh máy, ông K’Brọh phải thảo qua bằng viết tay, sau đó kiểm tra lại chi tiết từng câu chuyện.
Được dân làng “ưng cái bụng”
Ngoài công tác sưu tầm phong tục tập quán, chuyện cổ, ông K’Brọh còn trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng K’Ho tại địa phương. Trong quá trình chuyển tải kiến thức cho học viên, ông giải thích cặn kẽ những phong tục, văn hóa, chữ viết K’Ho để góp phần gìn giữ và lưu truyền tiếng nói của dân tộc mình. Bên cạnh đó, thông qua những cuộc họp dân, ông tranh thủ truyền lại cho các thế hệ sau của mình những nét đẹp văn hóa, tập tục của buôn làng.
Việc làm của ông K’Brọh được dân làng “ưng cái bụng”. Anh K’Nhôi ở xã Liên Đầm thổ lộ: “Khi được tiếp xúc với những mẩu chuyện, phong tục và tập quán mà ông K’Brọh sưu tầm, mình thấy rất hay. Mình là người dân tộc K’Ho nhưng thực sự trước đây chưa biết được những điều này. Từ việc làm của ông đã giúp những người trẻ có ý thức giữ gìn và phát huy những cái hay, đẹp của văn hóa dân tộc mình”.
Cứ thế, bao năm rồi, hàng trăm phong tục, mẩu chuyện mang dáng dấp con người, hình hài sông núi được ông K’Brọh sưu tầm lại, được chính quyền địa phương và những người làm công tác văn hóa nơi đây đánh giá cao. Ông K’Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh) nhận xét: “Ông K’Brọh có nhiều công lao trong việc sưu tầm, chép lại những câu chuyện, những nét văn hóa của người K’Ho. Về phía địa phương, chúng tôi cũng quan tâm, động viên để ông tiếp tục sưu tầm, lưu truyền lại những nét văn hóa của người K’Ho. Thời gian tới, chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền, tạo điều kiện hỗ trợ ông K’Brọh tiếp tục thực hiện việc làm ý nghĩa này”.
Chia tay K’Brọh khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc ông chuẩn bị ngồi vào bàn làm việc của mình với những câu chuyện còn ngổn ngang sau một ngày dài rong ruổi sưu tầm.
ĐÔNG HÀ