Ngày 26-9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng dẫn đầu, đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với TPHCM về công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp
|
Thay mặt Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và Kết luận số 21 của Trung ương khóa XI, qua đó công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của TPHCM đạt được những kết quả rõ rệt. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ngoài xử lý nghiêm các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của thành phố, các cơ quan tư pháp của thành phố đã làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cần tiếp tục rà soát, đánh giá đúng mức tình trạng tham nhũng, lãng phí trên địa bàn; một mặt đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng nhưng mặt khác cũng cần xem việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng đã được làm tốt hay chưa. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TPHCM cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai mạnh những biện pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí, cụ thể là nâng cao sức chiến đấu, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên về tinh thần phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn liền với việc tuyên dương, khen thưởng người phát hiện, tố giác tham nhũng; tập trung công tác cải cách hành chính, tìm những giải pháp đột phá, sớm hoàn thành chính quyền điện tử.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TPHCM đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ, đơn vị tại những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, đồng thời làm tốt công tác xử lý sau thanh tra một cách công khai, minh bạch; tăng cường giám sát đối với các cơ quan tư pháp, nâng cao năng lực của thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp thụ lý các vụ án tham nhũng. Ngoài ra, về công tác phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, cần rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt là các khoản chi phí công, từ đó tìm ra các giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo và nhấn mạnh đến nhóm giải pháp với 7 nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới, với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân TPHCM.
TP triển khai xây dựng dự án “thành phố thông minh”
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đã làm việc với UBND TPHCM về công tác cải cách hành chính (CCHC).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang triển khai dự án xây dựng TPHCM trở thành “thành phố thông minh”, trong đó đặt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh… Cùng với đó, TP phân cấp mạnh cho sở-ngành, quận-huyện để khơi dậy tính chủ động của các sở-ngành và quận-huyện. Tới đây TP chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ để tinh gọn bộ máy. Phấn đấu đến năm 2020 tất cả các văn bản tại 24 quận huyện đều thông qua mạng điện tử; thực hiện 100% dịch vụ công liên thông điện tử. TPHCM cũng sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó, phiền hà cho dân và doanh nghiệp...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực vẫn còn mặt tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Đồng chí Trương Hòa Bình dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2016, số hồ sơ trả quá hạn của TP hơn 28.800.
Chỉ số CCHC năm 2015 của TP bị tụt hạng so với các năm trước, xếp thứ 18/63, giảm 12 bậc, nên TP cần nghiêm túc, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục để nâng cao chỉ số ổn định và bền vững. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm qua của TP dù vẫn ở mức tốt nhưng cũng đã tụt 2 hạng so với năm 2014. Một số chỉ số thành phần ở mức trung bình, như chi phí không chính thức đạt 4,37 điểm (xếp thứ 54/63), chỉ số năng động đạt 4,19 điểm (xếp thứ 51/63).
Theo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 53,35% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan tại TPHCM. TPHCM xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)… Tất cả những vấn đề này, TPHCM cần quyết tâm khắc phục.
|
Hoài Nam - Vân Anh