Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Thuế thu nhập cá nhân phải hài hòa nhiều mục đích

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến được trình bày trước QH hôm nay 26-10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ảnh) cho biết trong điều kiện cụ thể của nước ta, dự luật cần đảm bảo hài hòa nhiều mục đích. * Phóng viên:
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Thuế thu nhập cá nhân phải hài hòa nhiều mục đích

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến được trình bày trước QH hôm nay 26-10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ảnh) cho biết trong điều kiện cụ thể của nước ta, dự luật cần đảm bảo hài hòa nhiều mục đích.

* Phóng viên:
Khi dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân được trình QH khóa XII, lúc đó đồng chí với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải thích, đây là thuế thu nhập cá nhân chứ không phải thuế thu nhập cao. Hiện mức khởi điểm chịu thuế được đề nghị là 9 triệu đồng, chưa kể mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Tuy không phải đa số, nhưng cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy vẫn là đánh thuế thu nhập cao. Ông có bình luận gì?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

* Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: Thuế thu nhập cá nhân cần phải được nhìn một cách đầy đủ, toàn diện; xem xét cả biểu thuế suất và các bậc lũy tiến. Có thể do giải thích chưa đầy đủ nên nhiều người còn hiểu chưa đúng về sắc thuế này. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi luật có hiệu lực thi hành năm 2009. Như tôi đã giải thích trước QH rất kỹ khi đó (năm 2009 - PV), đây là thuế thu nhập và theo nguyên lý các sắc thuế luôn cần đảm bảo tính trung lập, càng ít lồng ghép chính sách xã hội càng tốt. Có nước làm triệt để thì cứ có thu nhập là phải chịu thuế, nhưng thu nhập ít thì mức thuế rất thấp, thậm chí tượng trưng. Trong điều kiện cụ thể của nước ta chưa thể làm triệt để thế được, phải chấp nhận hài hòa nhiều mục đích.

* Quy định một mức chung như vậy cho cả đô thị và nông thôn có công bằng không? Vì sức mua của cùng một số tiền ở các đô thị lớn và ở khu vực nông thôn rất khác nhau?

* Đã là thuế cần làm sao phải đơn giản, dễ áp dụng, hiệu quả và được đa số người dân chấp nhận chứ không áp dụng lý thuyết một cách cứng nhắc hay quá chi li được. Tính công bằng xã hội thể hiện ở chỗ thông qua biểu thuế suất, lũy tiến từng phần để điều tiết: những đối tượng thu nhập càng cao phải chịu thuế suất càng lớn. Thực tế số đối tượng nộp thuế ở thuế suất bậc thấp tuy đông nhưng tổng số thuế nộp không cao, ngược lại số đối tượng nộp thuế ở bậc cao ít nhưng số thuế họ đóng lại lớn.

* Cũng liên quan đến yếu tố công bằng, dự luật có quy định gì để ngăn chặn những đối tượng do đặc thù ngành nghề nên có thu nhập thực tế cao, thậm chí rất cao, nhưng không phải đóng thuế thu nhập vì ta không kiểm soát được thu nhập của họ?

* Đây đúng là một việc khó. Tất nhiên, khi xây dựng luật này chúng ta cũng hướng tới mục đích kiểm soát và điều tiết thu nhập, nhưng muốn thực hiện được mục đích đó phải có những giải pháp đồng bộ khác nữa. Thí dụ muốn thu được thuế thu nhập từ giao dịch bất động sản thì công tác đăng ký bất động sản, quản lý giao dịch bất động sản phải chặt chẽ. Các giao dịch bằng tiền mặt phải hạn chế dần. Dù rằng thay đổi thói quen đó không phải việc một sớm một chiều. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành đề án về thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai thực hiện thành công sẽ từng bước khắc phục được bất cập kể trên.
 

ANH THƯ thực hiện

Đại biểu Đặng Thành Tâm vắng cả kỳ họp 

Trao đổi với báo chí hôm qua 25-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chủ tịch QH đã chấp thuận cho đại biểu Đặng Thành Tâm (đoàn TPHCM) được vắng mặt cả kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sáng 22-10, Chủ tịch QH đã nhận được đơn của ông Đặng Thành Tâm xin nghỉ cả kỳ họp thứ 4 để đi chữa bệnh ở nước ngoài (không nêu cụ thể ở nước nào). Đoàn đại biểu QH TPHCM cũng có văn bản đề nghị và Chủ tịch QH đã chấp thuận cho đại biểu Đặng Thành Tâm vắng mặt cả kỳ họp. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là việc không có gì sai quy định nhưng về nguyên tắc, đã là đại biểu của dân mà không đi họp thì khó làm tròn nhiệm vụ của một đại biểu QH, cử tri sẽ đánh giá. Nghỉ nhiều quá, Mặt trận Tổ quốc địa phương cũng có thể đánh giá xem đại biểu có còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri hay không. Hiện chưa có quy định cụ thể về việc xác minh tính chính xác của lý do được đại biểu nêu để xin nghỉ cả kỳ họp.

B. AN

Tin cùng chuyên mục