

Ông Phạm Trần Nhật Minh
Việt Nam đang trên bàn đàm phán gia nhập Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP), với thuế nhập khẩu giảm về 0%. Có thể nói, đây là một thách thức lớn buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong ngành nhựa nói riêng, khi phải nhanh chóng “chuyển mình” nếu không muốn bị mất thị phần và thua ngay trên sân nhà. Vậy, gia nhập TPP là cơ hội hay thách thức? Ông Phạm Trần Nhật Minh - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Nhựa Long Thành, có những trao đổi xoay quanh vấn đề trên.
- Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, khi gia nhập TPP các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Vậy theo ông, khi Việt Nam gia nhập TPP, đây sẽ là cơ hội hay thách thức đối với ngành nhựa nói riêng?
* Ông Phạm Trần Nhật Minh: Theo quan niệm của tôi, một môi trường có cạnh tranh là một môi trường tiến bộ. Tôi thấy đó là cơ hội. Khi doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì họ sẽ là người góp phần tạo ra “luồng gió mới”, nhu cầu mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cứ lấy một ví dụ, khi Starbucks hay Mcdonald’s thâm nhập thị trường Việt Nam, người dân trong nước lúc đầu chưa biết ngon hay dở nên phải uống thử, ăn thử… Với ngành nhựa cũng thế, mình sản xuất ra một sản phẩm, người ta nghĩ đó là sản phẩm bình thường cho những nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp nhựa nước ngoài vào, có thể họ sẽ thay đổi suy nghĩ sử dụng hàng nhựa của người tiêu dùng trong nước: Và lúc này, hóa ra nhựa không phải là sản phẩm đơn giản. Những sản phẩm mới lạ, tinh xảo được làm từ nhựa, lúc này có thể mắc hơn thủy tinh hay những vật liệu cao cấp khác.
- Thường thì “nhập gia tùy tục”, theo ông sẽ có khó khăn gì cho doanh nghiệp nước ngoài khi họ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, dù thuế suất bằng 0%?
* Tôi cho rằng, đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nước ngoài nào vào Việt Nam cũng thành công như mong đợi. Có thể họ có vốn mạnh hơn mình, thương hiệu họ mạnh hơn mình nhưng văn hóa làm việc tại Việt Nam chưa chắc họ bằng mình. Lúc này Việt Nam mặc định là sân nhà của mình và là sân khách của họ.

Nhà máy Nhựa Long Thành hiện với diện tích trên 100.000m², là một trong những doang nghiệp có mức đầu tư quy mô, công nghệ hiện đại hàng đầu trong các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam.
- Tuy nhiên, có một thực tế rằng, hầu hết các công ty nhựa tại Việt Nam đều là công ty gia đình, quy mô cũng như năng lực quản lý thường được đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, khả năng “chuyển mình” chậm. Ông có thấy đây là một vấn đề lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa trong nước hay không?
* Nếu nói như vậy thì mình cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, thực ra có rất nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới xuất phát từ cái nôi gia đình như: Wal-Mart, Toyota, Ford, Peugeot, Samsung, Benetton, Hyundai… Và tôi nghĩ, thiếu chuyên nghiệp là chuyện rất bình thường đối với một công ty gia đình, nhưng công ty gia đình sẽ có những thế mạnh không thể thay thế. Và thế mạnh lớn nhất là họ dễ thành công trong việc chuyển giao quản lý qua thế hệ kế tiếp. Hạn chế lớn nhất của công ty gia đình là có thể họ thiếu quan tâm đến tương lai của nền kinh tế và khó đổi mới trước sự chuyển mình quá nhanh của xu thế. Các công ty gia đình trong ngành nhựa Việt Nam cũng không thoát khỏi hạn chế này và đó thực sự là một vấn đề lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa trong nước khi gia nhập TPP.

Thùng nhựa Fami, một sản phẩm mới của Nhựa Long Thành đang được người tiêu dùng ưa chuộng
- Nhựa Long Thành cũng là một công ty gia đình, vậy vấn đề chung của ngành nhựa có phải là vấn đề của Nhựa Long Thành hay không, thưa ông?
* Nhựa Long Thành là một công ty gia đình nhưng có cái hơn và cũng là may mắn của chúng tôi khi chúng tôi học hỏi được cách quản lý của các tập đoàn đa quốc gia. Đối tác của Nhựa Long Thành là các tập đoàn đa quốc gia thuộc mọi lĩnh vực, khi chọn một nhà cung cấp làm đối tác thì họ sẽ đào tạo, huấn luyện quy trình cho nhà cung cấp đó để sản xuất sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, dù là công ty gia đình nhưng Nhựa Long Thành quản trị theo mô hình của các công ty lớn trên thế giới. Hiện tại, Nhựa Long Thành đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 do Quacert và Bureau Veritas cấp.

Thùng nhựa Fami và pallet nhựa PL01-HG là một trong những sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng
- Theo đánh giá chung, thời gian gia nhập vào TPP không còn nhiều nữa, vậy Nhựa Long Thành đã chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh mới này?
* Để cạnh tranh thì có rất nhiều thứ phải chuẩn bị. Vốn là vấn đề lớn mà tất cả doanh nghiệp nhựa Việt Nam rất lo lắng. Nhưng có thể nói, vốn là một thế mạnh của chúng tôi và tôi dám khẳng định rằng, đến bây giờ Nhựa Long Thành không vay một đồng bạc nào của ai cả. Thế mạnh thứ hai là công nghệ, trang thiết bị đầu tư, Nhựa Long Thành nổi tiếng là một nhà đầu tư công nghệ rất mạnh tay trong ngành nhựa từ xưa đến nay. Thứ ba, chúng tôi đang có định hướng, tạm gọi là “kế hoạch 15 năm” với quy mô nhà máy mới khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại tiên tiến và hệ thống phần mềm đứng hàng đầu trên thế giới. Tôi không thể “móc ruột” để chia sẻ chiến lược hành động, nhưng với vị trí là người định hướng và lên chiến lược lâu dài cho Nhựa Long Thành, tôi có niềm tin rằng Nhựa Long Thành đủ bản lĩnh để cạnh tranh trong bất kì cuộc chiến nào.
- Xin cảm ơn ông!
Thanh Hương