Phố “Uôn” Sài Gòn

Phố “Uôn” Sài Gòn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Hoa Kỳ bắt đầu nhen nhúm từ phố “Uôn” (Wall street) với một số người môi giới bán mua nông phẩm. Họ thường tụ lại vừa uống cà phê vừa thương thảo, lần hồi trở thành chợ cổ phiếu nổi tiếng. Khác một chút, TTCK Việt Nam ra đời ngày 20-7- 2000 đã có sẵn một cơ ngơi bề thế, sử dụng toàn bộ tòa nhà cùng khuôn viên trụ sở Thượng viện của chế độ cũ ở số 45, Bến Chương Dương, trước mặt là bờ sông, sau lưng là phố Nguyễn Công Trứ. Phố này đang dần trở thành một Wall Street của Sài Gòn.

Phố “Uôn” Sài Gòn ảnh 1

Trung tâm Chứng khoán TP.HCM.
Ảnh: CAO THĂNG

Trên đoạn phố ngắn, từ Phó Đức Chính đến Hồ Tùng Mậu, xưa là khu ngân hàng và cơm Tây bình dân, nay cả 13 công ty chứng khoán đều dựng bảng hiệu ở đây. Vì là công ty đầu cầu nên các nơi này có thêm dịch vụ môi giới (môi giới viên gọi là brocker). Đội ngũ này ngoài một số tập trung ở phố Nguyễn Công Trứ còn lại đăng ký trên dịch vụ 1088 bưu điện để hành nghề.

Tôi tìm đến phố Nguyễn Công Trứ, đoạn tựa lưng Trung tâm Giao dịch TP Hồ Chí Minh, tìm lên lầu 2 trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển để hỏi thể thức tham dự đấu thầu mua cổ phiếu (CP). Trở xuống dưới, phải lách mình khó khăn mới vào được phòng thông tin tham khảo Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Mọi hàng ghế đều có khách ngồi, những nhà đầu tư buôn bán chứng khoán tay cầm bút, loay hoay nhìn lên bảng điện quang chớp lòe những hàng con số.

Trong số những nhà đầu tư, nhà buôn chứng khoán đi “dạo chơi buổi sáng” có khá nhiều người ở xa, trưa họ vào “CLB chứng khoán” bên hông Trung tâm Giao dịch để ăn trưa, đợi đến 2 giờ chiều vào chiếm chỗ ở sàn giao dịch. Từ ngày TTCK Việt Nam đắc địa, nhiều hàng hóa và đông kẻ bán người mua, khoảng 200 ghế ngồi của phiên chợ luôn hết chỗ. Phòng giao dịch thường có một bàn “chủ nợ”, một bàn thư ký điện toán, một bàn đặt thùng phiếu (có phân loại, mua CP loại nào thì phải bỏ vào thùng màu gì).

Sau khi “chủ nợ” thông qua thủ tục đấu thầu, tuyên bố phiên đấu giá bắt đầu, các nhà đầu tư thủ sẵn bao bì đã ghi giá bí mật, rồi xếp hàng lên bỏ phong bì vào thùng. Hết giờ bỏ phiếu đấu, khách được mời ra hành lang để giải lao, xơi bánh ngọt, uống café miễn phí, đợi ban thư ký lập biên bản xong, trở vào để nghe kết quả.

Mỗi sáng, mỗi chiều từ thứ hai đến thứ sáu, nhịp điệu ở đây đều như thế, cũng tụ hội café, gặp môi giới, tìm thông tin CP đủ loại từ nông thủy sản đến công nghệ, địa ốc giống hệt như sinh hoạt ở phố “Uôn” của Mỹ, chỉ khác một điều, thiếu những cô gái đẹp làm brocker cho thêm tươi vui, sinh động.

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục