
Tàu thám hiểm Phoenix (Phượng hoàng) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh an toàn xuống bề mặt cực Bắc sao Hỏa hôm 26-5. Đây là một thành công rất lớn của NASA vì trước đây phần lớn tàu thám hiểm tìm cách đáp xuống Hành tinh Đỏ đã gặp thất bại. Trong sứ mệnh lịch sử dự kiến dài 90 ngày này, Phoenix sẽ làm gì trên sao Hỏa?
Sứ mệnh lịch sử

Lần đầu tiên có bức ảnh cực rõ nét của bề mặt sao Hỏa, do camera SSI của Phoenix chụp, phía xa là đường chân trời, góc dưới là một phần thân tàu
Trên bề mặt khô cằn của sao Hỏa có các dấu vết của sông và biển nên nhiều nhà khoa học tin rằng, sự sống từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ. Họ ước đoán, có đến 58% lớp bên dưới bề mặt các vùng cực sao Hỏa là băng.
Chương trình thám hiểm sao Hỏa lâu dài của NASA gồm 4 mục tiêu chính: Xác định sao Hỏa từng có sự sống hay không; đặc điểm khí hậu sao Hỏa; đặc điểm địa chất sao Hỏa; chuẩn bị cho con người đổ bộ lên Hành tinh Đỏ.
Nơi Phoenix hạ cánh là một thung lũng cạn, được chọn do khá bằng phẳng và do nhiều ảnh chụp từ trên không cho thấy gần đó có thể có một hồ băng. Hiện là mùa hè trên sao Hỏa nhưng nhiệt độ ở nơi Phoenix hạ cánh cũng thấp từ âm 73 độ C đến âm 33 độC. Phoenix có sứ mệnh chính thức chỉ trong 3 tháng vì khi mùa đông khắc nghiệt đến, sẽ không có ánh sáng mặt trời để Phoenix sạc pin và tàu có thể bị chìm trong lớp khí CO2 hóa lỏng.
Sau khi hạ cánh, hệ thống pin mặt trời của Phoenix hoạt động và cung cấp năng lượng để triển khai các thiết bị phức tạp và hiện đại, lần đầu tiên được đưa lên sao Hỏa. Chỉ gần 2 hai giờ sau khi hạ cánh, những hình ảnh đầu tiên của bề mặt sao Hỏa đã được Phoenix gửi về trái đất. Với cánh tay robot, Phoenix sẽ đào lấy mẫu đất đá rồi đưa lên phòng thí nghiệm trên tàu để phân tích.
NASA cho biết, Phoenix là sứ mệnh đầu tiên thám hiểm cực Bắc sao Hỏa và sẽ giúp trả lời các câu hỏi lớn: Vùng cực Bắc sao Hỏa từng tồn tại sự sống? Lịch sử của nước ở vùng cực Bắc này? Sự thay đổi mùa ở vùng cực Bắc tác động thế nào đến khí hậu sao Hỏa? Mục đích cao nhất của Phoenix là khám phá những mốc lịch sử địa chất và tìm kiếm dấu hiệu của nước cũng như dấu hiệu của sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Tìm nước và sự sống

Các trang thiết bị khoa học chính của Phoenix: (1) Hệ thống pin mặt trời; (2) Cánh tay robot; (3) Hệ thống camera độ phân giải cao; (4) Trạm khí tượng; (5) Phòng phân tích thí nghiệm hóa học
Phoenix có kích thước 5,5m x 1,5m, đứng cố định trên 3 chân. Tàu mang theo các trang thiết bị khoa học hiện đại nhất, gồm:
Hệ thống pin mặt trời: 2 cánh hình bát giác, chiều ngang gần 5,5m, mở ra sau khi tàu hạ cánh. Ở vùng cực Bắc sao Hỏa là nơi tàu thu được nhiều ánh sáng mặt trời nhất.
Cánh tay robot: Dài đến 2,35m, thực hiện được 4 thao tác là lên-xuống, qua-lại, tới-lui và quay, có khả năng đào sâu 0,5m xuống bên dưới bề mặt sao Hỏa, tìm nước đóng băng và lấy mẫu đất đá đưa lên tàu phân tích.
Hệ thống camera độ phân giải cao: Gắn trên cột, gồm 2 camera đặt ngang như mắt người, chụp ảnh 3 chiều toàn cảnh xung quanh tàu, giúp khảo sát địa hình để đào và điều khiển tay robot. Camera của Phoenix sẽ gửi về trái đất những tấm ảnh sao Hỏa với chất lượng cao chưa từng có. Một camera khác gắn gần đầu của tay robot, giúp chụp cận ảnh bề mặt sao Hỏa khi tay robot làm việc.
Trạm khí tượng: Trang bị các cảm ứng nhiệt độ và áp suất, thiết bị ứng dụng công nghệ laser xanh, chuyên theo dõi thời tiết hàng ngày và sự thay đổi của mùa, các điều kiện về thay đổi nhiệt độ, áp suất khí quyển, tốc độ và hướng gió... Thông tin từ trạm khí tượng này ngoài việc hỗ trợ hoạt động của Phoenix còn giúp tìm hiểu chu kỳ của nước trên sao Hỏa, từ dạng băng trên bề mặt đến dạng hơi trong khí quyển.
Phòng phân tích thí nghiệm: Có 4 công cụ nghiên cứu đất đá, gồm một phòng thí nghiệm hóa học và 2 kính hiển vi nguyên tử sẽ phân tích mẫu do tay robot đào lên; công cụ thứ tư được gắn ở gần cuối tay robot, có 4 cực nhỏ được tay robot cắm xuống bề mặt sao Hỏa để đo độ dẫn điện và các tính chất khác.
Một lò nung mini có thể đạt đến 982 độ C, biến thành hơi nhiều chất rắn trong mẫu đất đá do tay robot đào lên, sau đó kết hợp với một phổ kế để phân tích, tìm kiếm dấu vết các phân tử hữu cơ phức hợp carbon, dấu vết vi sinh vật..., giúp các nhà khoa học xác định liệu có dạng sự sống nào từng tồn tại trên sao Hỏa .
THIỆN NGUYỄN
(Báo SGGP 12G)