Mặc dù cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận có người nào bị nhiễm chủng virus mới (Coronavirus) gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận. Tuy nhiên những thông tin chính thức từ phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế về loại virus mới này khiến người dân không khỏi lo lắng.
Thông báo của WHO cho biết, trên thế giới mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc virus mới này, trong đó có một ca tử vong, nhưng mức độ nguy hiểm của loại virus Coronavirus mới này đã được nhiều chuyên gia xem như là virus SARS từng gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm vào năm 2003 trên khắp thế giới (trong đó có Việt Nam) làm khoảng 8.000 người mắc và cướp đi mạng sống của gần 800 người.
Hơn nữa, cùng với việc phát hiện ra loại Coronavirus mới trên, tình hình dịch bệnh trên người ở nước ta trong thời gian qua cũng có nhiều diễn biến bất thường. GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thẳng thắn cho biết, một số bệnh nhiễm trùng đã được khống chế lại đang xuất hiện trở lại như: tả, sởi, sốt xuất huyết do virus Dengue, nhiễm khuẩn liên cầu lợn, dại và bệnh tay chân miệng. Đặc biệt các bệnh mới nổi gồm SARS, cúm gia cầm, cúm A/H5N1 và đại dịch cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục rình rập đe dọa cộng đồng.
Thống kê mới đây của Bộ Y tế cho thấy, chỉ tính riêng 2 dịch bệnh là sốt xuất huyết và tay chân miệng, cả nước từ đầu năm tới nay đã ghi nhận hơn 160.000 người mắc với gần 100 ca tử vong. Mới đây nhất, tại khu vực phía Nam ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì nhiễm loại amip ăn não Naegleria fowleri rất hiếm gặp.
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi xuất hiện liên tiếp xen lẫn với dịch bệnh đã lưu hành nhiều năm nay đang trở thành vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong đời sống nhưng hiện vẫn chưa được khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Thực trạng này khiến cho cộng đồng rất lo lắng khi sức khỏe và tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, đáng báo động hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang bất thường và nguy hiểm hơn thì ý thức phòng chống dịch bệnh của nhiều người, cũng như chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương vẫn rất chủ quan lơ là, thậm chí là chỉ diễn ra trên giấy tờ.
Về phía Bộ Y tế, cho dù thường xuyên có chỉ đạo, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc và địa phương về việc phòng chống, giám sát tình hình dịch bệnh, thậm chí còn lập cả Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi, nhưng thực tế công tác phòng chống dịch bệnh vẫn chỉ có hiệu quả khiêm tốn.
Để giải quyết được thực trạng trên, mới đây, TS Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ: Các mối đe dọa liên tục của nhiều loại dịch bệnh, đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống y tế đầy đủ chức năng và có khả năng đáp ứng. Do vậy, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa để nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của dân số đang thay đổi và tìm kiếm sự chăm sóc y tế lâu dài. Ngoài việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm, phải tập trung nguồn lực nhiều hơn vào việc ngăn ngừa các bệnh không truyền nhiễm. Thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng như chống hút thuốc lá, các chiến dịch về lối sống lành mạnh phải được duy trì để ngăn ngừa gánh nặng của bệnh tật. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên dành ít nhất 5% GDP cho chăm sóc y tế. Việc cung cấp dịch vụ y tế và phối hợp chăm sóc y tế ở tất cả các cấp cần phải được tăng cường để giải quyết gánh nặng thường xuyên về các bệnh truyền nhiễm.
NGUYỄN QUỐC