Hãy tưởng tượng, một ngày không có vật dụng bằng nhựa sẽ như thế nào. Không có máy vi tính, không có điện thoại, không xe hơi và tất nhiên không có thực phẩm gói bằng bao ni lông. Thế nhưng một gia đình người Áo đã thử sống như thế trong 1 tháng.
Từ không nhựa...
Trong cuốn sách xuất bản ở Đức với tựa đề: Plastikfreie Zone (khu vực không có nhựa), tác giả Sandra Krautwaschl đã kể về cách gia đình cô loại bỏ đồ dùng bằng nhựa như thế nào. Bắt đầu bằng một tháng không sử dụng đồ nhựa, giờ đây gia đình này đã bắt đầu quen với cách sống ấy.
Vào kỳ nghỉ hè kéo dài 1 tháng của gia đình ở Croatia năm 2009, 3 đứa con của Krautwaschl cứ hỏi mãi rằng rác trên bãi biển ở đâu có. Chính những câu hỏi này đã khiến cô thấy có trách nhiệm với môi trường. Phát biểu trên tạp chí Spiegel Online, Krautwaschl nói: Rác ở Áo được tái chế nhưng điều đó chưa được thực hiện trên phạm vi toàn thế giới. Thực tế chúng ta đã mua các sản phẩm tiếp tay cho ô nhiễm môi trường. Phải thay đổi thói quen mua sắm hàng tiêu dùng.
Sau kỳ nghỉ hè, Krautwaschl cũng được xem bộ phim năm 2009 “Hành tinh nhựa”, một bộ phim tài liệu của nhà làm phim người Áo Werner Boote trong đó mô tả tác hại với môi trường của những vật liệu bằng nhựa.
Theo bộ phim, phải mất hàng trăm năm những vật liệu bằng nhựa mới có thể phân rã, thế nhưng hàng năm vẫn có 240 triệu tấn nhựa được tung ra thị trường, nó đã làm ô nhiễm đất, biển, tiết ra chất carcinogens và các chất độc khác nguy hại tới sức khỏe con người. Hầu hết các sản phẩm nhựa đều xuất phát từ dầu mỏ - một nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Nhìn ở góc độ này, vật liệu nhựa càng gây tác hại cho môi trường.
Trở lại với chuyện gia đình của Krautwaschl từ bỏ đồ dùng bằng nhựa. Đầu tiên, họ đã loại tất cả vật dụng bằng nhựa ra khỏi nhà. Trang bìa của cuốn sách nói trên cho thấy bức ảnh gia đình này ngồi giữa núi đồ dùng bằng nhựa thải ra. Kế tiếp là họ tìm vật liệu thay thế: bàn chải đánh răng tay cầm bằng gỗ, đồ đựng sữa bằng kim loại, các loại vật dụng khác thay thế bằng thủy tinh, giấy hay kim loại.
Theo ý kiến của Krautwaschl, việc không sử dụng nhựa cũng cần phải thực tế, không quá cực đoan, đồng thời, Krautwaschl thừa nhận việc loại hẳn nhựa ra khỏi cuộc sống cần có giải pháp lâu dài và phải thông qua nghiên cứu rộng rãi. Nói về thời gian 1 tháng sống không sử dụng vật liệu nhựa, Krautwaschl bộc bạch: “Một số người cho rằng chúng tôi sống trong thời đại Đồ đá, nhưng không phải vậy. Cuộc sống trở nên đơn giản hơn, êm đềm hơn và thoải mái hơn”.
Gia đình của Krautwaschl sống tại thành phố Graz, miền Nam Áo, cô vẫn dùng vật liệu nhựa cần thiết như nón bảo hiểm nhưng dùng chung xe hơi với gia đình hàng xóm và cố gắng mua hàng tái chế bất cứ khi nào có thể.
Theo cô, cẩn thận xem xét các vật liệu sử dụng hàng ngày đã giúp thay đổi cách mua sắm trong gia đình cô, làm thay đổi hoàn toàn hành vi mua sắm. Nhưng thực sự gia đình này vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn 100% vật liệu nhựa ra khỏi cuộc sống. Thậm chí những vật liệu bằng thủy tinh hay kim loại cũng có chứa vật liệu nhựa như nắp vung thủy tinh viền nhựa, kính viền nhựa… Mục đích trước mắt làm sao giảm thiểu rác nhựa ra môi trường, cải thiện ý thức của người dùng đối với các vật dụng bằng nhựa thông qua việc hướng dẫn họ sử dụng những vật liệu thay thế nếu có.
Điều quan trọng nhất không nên sử dụng vật liệu nhựa đó là thực phẩm đóng gói bằng nhựa sẽ không tươi hơn và ngon hơn. Krautwaschl nói: “Với cách nhìn này, chúng ta đánh giá được tốt hơn thực phẩm của chúng ta”.
Hiện nay, xu thế không sử dụng nhựa trong cuộc sống ngày càng được nhiều người lựa chọn từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á. Krautwaschl cho biết sau khi gia đình của cô thử sống không có nhựa, bạn bè và người thân đã học tập theo. Cô hy vọng phong trào ngày càng được nhân rộng, thậm chí ở những cách làm nhỏ nhất và từ những việc làm nhỏ này, chúng ta có thể thay đổi được thế giới.
... đến không xe hơi
Đã có thời, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người dân Paris dùng xe đạp. Nhưng với hệ thống cho thuê xe đạp Velib ra đời cách đây 5 năm, tình hình bắt đầu chuyển biến: ngày càng có ít xe hơi tại khu vực trung tâm Paris.
Chị Marion, 28 tuổi, nhân viên tiếp thị, sống tại quận 16, Paris. Mỗi tuần chị thuê xe đạp từ 2 đến 3 lần để đi vào trung tâm Paris. Với hơn 23.500 xe đạp tại 1.400 trạm ở Paris đã giúp người dân thủ đô Pháp di chuyển cơ động hơn với chỉ 36 USD cho phí cả năm.
Hệ thống Velib đã làm thay đổi thái độ của người dân Paris với xe đạp. Cách đây vài năm, không ai có thể tưởng tượng rằng một doanh nhân hay một quý bà sang trọng có thể chạy xe đạp. Điều đáng ngạc nhiên, trong khi xe hơi dày đặc, di chuyển chậm chạp 5km trong vòng 20 phút, xe đạp tiện dụng hơn rất nhiều trong các quãng đường ngắn. Thậm chí trên các điện thoại thông minh, có nhiều phần mềm như Open bike, Cycle Hire, molib… chỉ dẫn người sử dụng xe đạp nơi đậu xe gần nhất.
Theo thị trưởng Paris Bertrand Delanoe, di chuyển bằng xe có động cơ đã giảm ¼ trong vòng 5 năm qua nhờ sự thành công của hệ thống Velib. Đến nay, 34 thành phố của Pháp đã triển khai hệ thống cho thuê xe đạp. Trên bình diện thế giới, xu hướng này đã lan đến Montreal (Canada), Melbourne (Australia), Mexico City (Mexico) và Milan (Italia).
Đến nay, Pháp đã có tổng cộng 8.000 km đường dành cho xe đạp và sẽ có thêm 10.000 km đường nữa dành cho loại xe thân thiện với môi trường này trong vòng 10 năm tới. Đặc biệt có con đường quốc lộ dành cho xe đạp mang tên Velodysee chạy từ cảng Breton tới thành phố ven Hendaye ven Đại Tây Dương.
KHÁNH MINH tổng hợp