Phòng cấy mô của nông dân

TPHCM đang chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, trong đó, lan là loại cây trồng phù hợp. Theo định hướng phát triển đến năm 2015, TPHCM sẽ có 400ha lan nên nhu cầu về giống những năm tới rất lớn. Bên cạnh viện, trường, các tổ chức đầu tư sản xuất giống lan cấy mô phục vụ sản xuất, giờ đây, nông dân cũng đã tìm hiểu, học hỏi và đầu tư phòng cấy mô dưới sự đỡ đầu của các viện, trường.

TPHCM đang chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, trong đó, lan là loại cây trồng phù hợp. Theo định hướng phát triển đến năm 2015, TPHCM sẽ có 400ha lan nên nhu cầu về giống những năm tới rất lớn. Bên cạnh viện, trường, các tổ chức đầu tư sản xuất giống lan cấy mô phục vụ sản xuất, giờ đây, nông dân cũng đã tìm hiểu, học hỏi và đầu tư phòng cấy mô dưới sự đỡ đầu của các viện, trường.

Theo anh Trần Thanh Huy ngụ tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, sau khi trồng lan thấy có hiệu quả nên quyết tâm tìm hiểu sâu hơn. Với số vốn gần 200 triệu đồng của gia đình và vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP, anh cải tạo lại đất lúa để làm vườn lan rộng 2.000m². Nhờ sự hướng dẫn về chuyên môn của các giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, anh không chỉ trồng lan cắt cành tốt mà còn xây dựng phòng cấy mô để cung ứng giống lan cho mọi người. Anh Huy đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, lập phòng cấy mô và xây dựng khu vườn ươm cây giống. Anh Huy cho rằng, nhu cầu giống lan trên thị trường đang thiếu nên việc lập phòng cấy mô cũng là cách tạo thêm việc làm và thu nhập cho gia đình. Mới đây, để phát triển việc cấy mô lan và mở rộng nghề lan cắt cành, anh chuyển cơ sở sang huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với gần 5ha.

Tương tự, ông Trần Văn Xê ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn tham gia học kỹ thuật trồng lan, kết hợp đi tham quan mô hình trồng lan ở Củ Chi, Bình Chánh, sau đó về trồng thử 500 cây lan Mokara trên diện tích 150m², với số vốn đầu tư 20 triệu đồng. Sau một thời gian, thấy trồng lan có giá trị kinh tế cao hơn nhiều cây khác nên ông quyết định mở rộng vườn lan lên 1.000m². Năm 2006, ông vay ngân hàng 500 triệu đồng để mở rộng thêm 2.500m² với 10.000 cây lan Mokara, 10.000 chậu Dendrobium, 15.000 cây giống Mokara cấy mô. Nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT, lan phát triển tốt, sản phẩm được khách hàng đến tận vườn mua. Để chủ động nguồn giống, ông xây phòng nuôi cấy mô, tự cung cấp giống giúp hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Bà con địa phương thấy mô hình của gia đình ông hiệu quả, muốn học tập chuyển đổi, ông hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn giống, giới thiệu đầu ra… Từ chuyến tham quan học tập nghề trồng lan tại Thái Lan, ông nhận thấy ngoài việc trồng người dân Thái còn có chợ hoa dành riêng cho những nông dân để trao đổi, mua bán và ông mong TPHCM sớm có một chợ hoa như thế.

Có thể nói, việc TP định hướng và có chính sách về nông nghiệp đô thị đã tạo động lực giúp nhiều nông dân trở nên khấm khá hơn, từ đó mạnh dạn đầu tư chuyên sâu. Vì vậy, việc lập phòng nuôi cấy mô không còn xa lạ với nông dân TP.

ĐẶNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục