Phòng chống căn cơ

Khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát vào khoảng năm 2000, Thái Lan tuy xuất hiện dịch bệnh nhưng vẫn có thể xuất khẩu thịt gia cầm sang nhiều nước trên thế giới. Không ít người ngạc nhiên, vì sao Thái Lan cũng xuất hiện cúm gia cầm như Việt Nam nhưng vẫn có thể xuất khẩu thịt gia cầm sang các nước, nhất là các nước phát triển.

Đặt vấn đề này với Công ty CP Việt Nam, Tổng giám đốc công ty này cho biết, dù vaccine là giải pháp nhanh gọn để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, nhưng Thái Lan không xem đây là giải pháp phòng chống chủ yếu. Chính phủ Thái Lan đã đi bằng con đường khác, khó khăn hơn nhưng lại căn cơ hơn, đó là lấy việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) làm nền tảng, từ những cơ sở riêng lẻ này tiến tới việc xây dựng một vùng đạt chuẩn về ATDB với một số bệnh nào đó, như cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng… Vì vậy, có thể vùng nào đó xuất hiện cúm gia cầm nhưng những khu vực được công nhận vùng ATDB, đảm bảo vệ sinh dịch tễ vẫn được các nước nhập khẩu thịt động vật chấp nhận, tất nhiên sẽ phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt hơn.

Cúm gia cầm đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành cả nước, với gần 70 ổ dịch, nhưng nếu chú ý hơn sẽ thấy, các ổ dịch này hầu hết xuất hiện ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, do không chú ý việc tiêm chủng, phòng chống dịch tễ; trong khi đó, những trại nuôi gia cầm công nghiệp dạng chuồng kín (chuồng lạnh), tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêm phòng, làm tốt vệ sinh dịch tễ, phun xịt định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, kể cả người chăm sóc thường được cách ly với môi trường xung quanh, nhất là khi xuất hiện dịch bệnh theo dạng nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đây là những điều rất quan trọng trong việc ngăn ngừa virus bệnh nào đó xâm nhập. Hiện nay đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trang trại nuôi gia cầm chuồng kín dạng này ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM. Tương tự, trên đàn gia súc, đặc biệt là heo cũng được nuôi theo những quy trình bảo vệ nghiêm ngặt này. Từ những mô hình này mới tiến đến việc xây dựng cơ sở ATDB về lao, sẩy thai truyền nhiễm trên bò sữa, tai xanh trên đàn heo là điều khả thi.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, đến nay TP có tất cả 74 cơ sở ATDB, gồm 47 cơ sở nuôi heo, 15 cơ sở bò sữa, 8 cơ sở gia cầm và 4 cơ sở nuôi cá cảnh. Trong đó, có 8 cơ sở được cấp chứng chỉ VietGAP, cung cấp định kỳ hàng tháng 4.000 con heo thịt. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, việc công bố thêm và tái chứng nhận các cơ sở ATDB mà thú y thực hiện thời gian qua làm nền tảng quan trọng trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm bằng phương pháp an toàn sinh học, tiền đề quan trọng tiến tới việc xây dựng vùng ATDB trên những địa bàn có chăn nuôi của TP. Phó Cục trưởng Cục Thú y Mai Văn Hiệp cho rằng, việc xây dựng cơ sở ATDB, tiến tới xây dựng vùng ATDB là hướng đi tất yếu hiện nay, dù không dễ thực hiện, nhưng TPHCM là địa phương đã làm được và đi đầu về xây dựng theo hướng này trên đàn gia súc và gia cầm phía Nam. Nhưng ông Mai Văn Hiệp cũng khuyến cáo, bên cạnh việc nhân rộng thêm các cơ sở chăn nuôi, TP cũng nên mở rộng thêm ATDB trên nhiều loại bệnh khác ngoài bệnh lao, sẩy thai truyền nhiễm (bò sữa), lở mồm long móng, heo tai xanh… Bởi không chỉ là địa phương có đàn bò sữa dẫn đầu cả nước (chiếm khoảng 51% tổng đàn) mà còn là nơi cung cấp giống bò sữa cho các khu vực khác mỗi năm lên đến hàng chục ngàn con. Tương tự, TPHCM cũng là nơi cung cấp hàng chục ngàn con heo giống cho các trại nuôi heo cả nước. Vì vậy, yếu tố ATDB cho đàn gia súc và gia cầm là điều vô cùng quan trọng trong việc góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục