Năm 2012, toàn thành phố xảy ra 121 vụ cháy (giảm 60 vụ so với năm trước đó); giảm 12 người chết, bị thương do cháy và giảm hơn 46,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ giảm 97,52% so với cùng kỳ. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên với thực trạng phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhất là mùa khô đang đến, tháng tết cận kề, vấn nạn cháy nổ đang là nỗi lo canh cánh.
Nét mới năm 2012 là ý thức phòng cháy của các doanh nghiệp, khu phố ở TPHCM được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị và người dân ngày càng thấm thía thảm họa của cháy nên không ngần ngại đầu tư trang thiết bị và thành lập đội PCCC cơ sở đủ mạnh để dập tắt ngọn lửa ngay từ khi mới phát sinh. Không những vậy, nhiều người dân còn nghiên cứu, tìm tòi chế tạo thiết bị chữa cháy cầm tay để phục vụ theo nhu cầu thực tế tại địa phương mình.
Điển hình, như ông Lý Nhơn Thành, Trưởng ban Bảo vệ dân phố (BVDP) phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã chế tạo thành công máy chữa cháy cầm tay. Tính đến nay, TPHCM đã thành lập 25.500 đội PCCC tại chỗ với 289.799 đội viên. Lực lượng chữa cháy tại chỗ đã hoạt động khá hiệu quả tại địa phương. Ngoài 121 vụ cháy được ghi nhận, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM còn tiếp nhận 707 tin báo cháy. Lực lượng chuyên nghiệp đến nơi, nhưng không triển khai đội hình; vì các đội PCCC tại chỗ đã kịp thời khống chế ngọn lửa.
Vẫn như mọi năm và cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, cháy ở khu dân cư và nguyên nhân cháy do điện vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo ghi nhận, có 60 vụ cháy trong khu dân cư (chiếm gần 50%) và qua điều tra có 95 vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện.
Thực trạng đáng lo lắng hơn khi bao năm qua, thành phố phát triển với tốc độ đô thị hóa rất cao, nhưng vẫn còn đó nhiều khu nhà ổ chuột. Mấy ai ngờ rằng, đằng sau những căn nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại, sát vách các tòa nhà cao tầng với nội thất sang trọng ở quận 1, quận 3, quận 5 - những quận được xem là trung tâm thành phố - vẫn còn những khu dân cư tiềm ẩn về cháy với đường hẻm nhỏ, hẹp chỉ vừa đủ 2 xe gắn máy qua lại. Do nhu cầu về ăn ở, sinh hoạt và chưa có điều kiện, các khu dân cư nêu trên vẫn còn những nhà siêu mỏng, được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy.
Ông Lê Duy Tiến, nhà ở hẻm 79 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết: “Mới đây, cơ quan chức năng đã tổ chức bó lại đường dây điện. Nhưng, đó là tuyến điện, điện thoại, cáp quang… chính thôi; còn các đường dây vào nhà dân thì vẫn chằng chịt, giăng mắc… như mạng nhện. Đây là một trong những đặc trưng và cũng là nỗi lo của nhiều khu dân cư hiện hữu”.
Để nắm chắc tình hình và đảm bảo ngăn chặn cháy lây lan trong mùa khô năm nay lãnh đạo PCCC quận, huyện phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã có kế hoạch và đang tập trung công tác kiểm tra.
Thượng tá Đặng Thanh Đủ, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC huyện Nhà Bè cho biết: “Ngoài các nơi tụ tập đông người, như trung tâm thương mại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… chúng tôi tập trung kiểm tra phòng trọ cho thuê. Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện được nhiều trường hợp ngăn phòng cho thuê vi phạm các lỗi như lấn chiếm lối thoát nạn hay lối thoát nạn không đủ rộng, chưa trang bị đủ bình chữa cháy, câu mắc điện không đúng quy cách… Chúng tôi đã ghi nhận và hướng dẫn họ khắc phục các sơ sót này. Kiểm tra là cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân”.
Mùa khô đang đến, những ngày lễ, tết đang cận kề... theo thông lệ các hộ dân đều tổ chức dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để sửa sang, kê lại bếp núc, dọn dẹp bàn thờ… cũng như phát hiện những thiếu sót của dây dẫn gas, dẫn điện ở mỗi nhà. Có như vậy mới bớt được phần nào nỗi lo về cháy trong mùa khô năm nay và góp phần bảo vệ thành phố an toàn.
ĐOÀN HIỆP
| |