Dịch cúm gia cầm chưa qua giai đoạn đỉnh điểm, vẫn còn tiếp tục lan rộng trong thời gian tới. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống cúm gia cầm với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tuần qua.
Chống dịch cúm là số 1
Với dịch cúm gia cầm, cả nhà quản lý và người chăn nuôi đã có nhiều kinh nghiệm, nắm được chìa khóa phòng chống là áp dụng đúng quy trình tiêm chủng, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng chuồng trại... Nhưng thật đáng buồn, khi bước qua năm thứ 11, dịch cúm không những không giảm mà lại lan rộng đến 17 tỉnh, thành với gần 70 ổ dịch so với con số 7 tỉnh năm 2013. Có tỉnh suốt 10 năm qua không nhiễm cúm gia cầm, nhưng giờ đây đã “nhiễm” như Phú Yên. Điều đáng nói hơn, giờ đây chúng ta đang đối mặt với sự biến chủng của virus cúm A/H5N1 sang nhiều nhánh khác khiến việc tiêm phòng không phải lúc nào cũng hiệu quả nếu chủ quan không khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm trước đã xảy ra ở một số địa phương.
Tuy nhiên, điều mọi người lo ngại, một loại virus cúm A khác là H7N9, không có biểu hiện trên đàn gia cầm nhưng lại lây nhiễm và gây tử vong cao trên người. Virus này xuất hiện năm 2013 và đang lan rất nhanh ở Trung Quốc, trong đó có 2 tỉnh giáp với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam với số người bị nhiễm chưa hết 2 tháng đầu năm đã bằng cả năm 2013. Được biết, khi cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại Trung Quốc năm 1997, các chuyên gia trong ngành đều nhận định, trước sau gì cũng sẽ lan sang Việt Nam. 6 năm sau, điều lo ngại này là sự thật và không chỉ ở Việt Nam. Giờ đây, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cảnh báo và viết thư trực tiếp cho Bộ trưởng Cao Đức Phát về nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam, Lào và Myanmar là rất cao.
Có thể nói, việc phòng chống là ưu tiên số 1 để dập dịch cúm A/H5N1 trong nước và ngăn ngừa từ xa nguy cơ xâm nhập của virus cúm A/H7N9. Ở TPHCM, nơi chịu nhiều áp lực từ các địa phương khác khi trên 90% lượng gia cầm tiêu thụ tại TP đến từ các tỉnh. Bên cạnh những cuộc họp triển khai về kế hoạch phòng chống với các địa phương, liên tục những ngày cuối tuần, lãnh đạo TPHCM đã đi khảo sát thực tế, tìm hiểu tình hình kinh doanh gia cầm trái phép tại nhiều địa bàn nóng. Điều đáng mừng, 45 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép hiện đã được dẹp. Có được điều này, theo Chi cục Thú y TPHCM, là do sự quyết tâm của các địa phương trong việc chấn chỉnh việc kinh doanh gia cầm sống trái phép sau thời gian lơ là khi dịch cúm chưa bùng phát. Điển hình như “chợ gà” tự phát ở xã Trung Mỹ Tây (quận Hóc Môn), tuyến đường gần cầu Sa, xã Bà Điểm (Hóc Môn) giáp với xã Vinh Lộc A (Bình Chánh) và quận Bình Tân. Hay như khu vực cầu Chợ Cầu nối giữa quận Gò Vấp và quận 12...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, việc giảm hẳn các điểm kinh doanh gia cầm trái phép là điều đáng mừng, nhưng quan trọng là các địa phương phải kiên quyết, làm liên tục và kéo dài. Ngăn chặn trường hợp người kinh doanh gia cầm sống sẽ quay lại khi không thấy lực lượng kiểm soát, nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ lây lan, trong bối cảnh cúm gia cầm lan rộng nhiều nơi.
Lo chuyện “hở sườn”
Tại buổi họp về phòng chống dịch bệnh gia súc và gia cầm của TPHCM, Phó Cục trưởng Cục Thú y Mai Văn Hiệp cho rằng, phòng chống dịch bệnh, bên cạnh tiêm phòng như cúm gia cầm hiện nay, điều căn bản là phải xây dựng cho được cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là điều TPHCM đang đi đầu ở các tỉnh phía Nam về phòng chống dịch bệnh trên gia súc và gia cầm. Bởi theo những chuyên gia thú y, khi ngành chăn nuôi phát triển, việc gia súc, gia cầm được nuôi với số lượng lớn sẽ là điều kiện và là nguy cơ làm xuất hiện nhiều loại dịch bệnh. Ngành chăn nuôi Việt Nam bên cạnh cúm gia cầm đang lan rộng nhiều địa phương, còn có nhiều loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc như lở mồm long móng (LMLM) trên trâu bò, hội chứng suy giảm hô hấp cấp trên đàn heo - PRRS, thường được gọi là bệnh heo tai xanh. 2 bệnh này thường xuyên xuất hiện và đe dọa đàn gia súc các tỉnh hàng năm. Cũng giống như cúm gia cầm, LMLM và heo tai xanh cũng có “chu kỳ” gây hại và lan rộng trên nhiều khu vực có đàn gia súc. Trong đó, những người trong ngành nhận thấy, sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát, lan rộng rồi lắng xuống, một thời gian sau nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện dịch bệnh LMLM trên trâu bò hoặc heo tai xanh bùng phát.
Thật ra, đây không phải điều khó hiểu, khi tất cả nguồn lực dồn sức cho việc dập dịch cúm gia cầm, không loại trừ nhiều địa phương đã lơ là trong việc phòng chống các loại dịch bệnh khác, trong khi mầm bệnh hiện diện ở môi trường xung quanh chờ khi có điều kiện là tái phát.
| |
CÔNG PHIÊN