Từ đầu thập niên 2000 trở lại đây, dịch bệnh trên gia súc và gia cầm ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nặng đối với người chăn nuôi và ngân sách nhà nước khi phải thụ động đối phó từng đợt dịch bệnh xảy ra. Khởi đầu của những đại dịch này là bệnh cúm gia cầm hoành hành từ cuối năm 2003, kế đến bệnh heo tai xanh (PRRS), nhưng xuyên suốt từ trước đó đến nay là bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên trâu bò...
Chỉ 4/63 tỉnh thành có cơ sở an toàn dịch bệnh
Khi chăn nuôi phát triển, các đại dịch xuất hiện là điều tất yếu trong bối cảnh ngành chăn nuôi nước ta đa số đều là hộ nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, trước hết nhằm bảo đảm sức khỏe từng hộ nuôi đã được một số doanh nghiệp tính đến, trong đó, TPHCM là địa phương đi tiên phong trong việc này. Năm 2005, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI) đã được Cục Thú y công nhận là cơ sở đầu tiên cả nước về an toàn dịch bệnh (LMLM, dịch tả heo), mô hình để TPHCM tiếp tục nhân rộng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại khác.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, đến cuối năm 2010 có tất cả 76 cơ sở chăn nuôi ở TP được công nhận an toàn dịch bệnh động vật, trong đó, có 9 cơ sở nuôi bò sữa, 38 cơ sở nuôi heo, 3 cơ sở nuôi gia cầm, cùng với 22 phường an toàn bệnh dại và 4 cơ sở an toàn bệnh SVC (virus mùa xuân) trên cá cảnh. Đến nay Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp còn được công nhận thêm an toàn dịch bệnh xoắn khuẩn, heo tai xanh, giả dại. Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long (thuộc SAGRI) được công nhận thêm an toàn bệnh heo tai xanh, sảy thai truyền nhiễm. Nhờ đó, dù dịch bệnh gia súc và gia cầm xảy ra thường xuyên, nhưng các cơ sở này đều an toàn.
Tuy nhiên, do dịch bệnh từ các tỉnh, thành tạo áp lực dịch tễ rất lớn lên đàn gia súc TP, ảnh hưởng đến việc mở rộng cơ sở an toàn dịch bệnh. Chi cục Thú y TPHCM cho biết, khu vực chăn nuôi TP tập trung nhiều nhất ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… trong số hơn 500 cơ sở chăn nuôi heo trên 500 con/trại, hiện có 45 trại đạt chuẩn an toàn dịch bệnh LMLM và dịch tả heo, chiếm khoảng 35% tổng đàn heo thịt ở TP (khoảng 40% đàn nái).
Trong khi đó, 100% cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung của TP ở Hóc Môn, Củ Chi đều là cơ sở an toàn dịch bệnh. Như vậy, TPHCM cùng với 4 địa phương trong cả nước (Đồng Nai, Bình Dương…) đi đầu cả nước về việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối phó với các loại dịch bệnh đã và đang xảy ra trên đàn gia súc và gia cầm.
Vùng an toàn dịch bệnh
Nhưng con số 4/63 tỉnh TP đã nói lên sự chênh lệch giữa các tỉnh đi đầu và những địa phương còn lại trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Do vậy, dịch bệnh từ các tỉnh thành khác trong cả nước và khu vực luôn tạo áp lực dịch tễ rất lớn cho đàn gia súc TP, ảnh hưởng đến việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức còn hạn chế từ phương thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, phân tán, không bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học.
Ngay cả ở TP, ý thức của người chăn nuôi cũng có sự chênh lệch, đặc biệt hộ chăn nuôi tạm cư tập trung ở Bình Chánh, Bình Tân, chưa quản lý chặt chẽ việc lưu chuyển gia súc (hộ chăn nuôi không khai báo, kiểm dịch động vật, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi).
Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng thành công vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh LMLM, dịch tả heo ở TP, việc hình thành vùng sạch bệnh không sử dụng vaccine chưa thể thực hiện. Ngoài việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phải có lộ trình dài hạn trong chiến lược quốc gia dựa trên việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh, tiến đến xây dựng phường xã an toàn dịch bệnh, rồi đến quận, huyện còn có nhận thức của nhà quản lý và mỗi địa phương.
Bài học ở Thái Lan cho thấy, dù xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới, bởi họ đã xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh và không sử dụng vaccine nên vẫn được các nước chấp nhận. Việc phối hợp hoạt động ngành thú y dù có những phối hợp, nhưng mới dừng ở mức trao đổi thông tin, phản hồi về kiểm dịch, chưa có sự liên kết vùng trong việc xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, 100% cơ sở chăn nuôi heo (500 con trở lên) áp dụng VietGAP, trong đó có 30% cơ sở được chứng nhận, tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh ở Phú Mỹ Hưng, An Phú huyện Củ Chi. Nhưng để đạt được, cần giám sát chặt việc chăn nuôi tại các xã, phường khu vực ven nội và ngoại thành, các hộ nhập cư chăn nuôi heo chưa đạt yêu cầu vệ sinh phòng dịch và vệ sinh môi trường như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, quận 9, 12. Đây là những nguy cơ nội tại, sẽ trở thành ổ dịch ngay trong lòng TP.
ĐĂNG LÃM