Mỗi năm, gần 300 vụ án tham nhũng bị khởi tố, trong đó có không ít người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm và xử lý hình sự khi để xảy ra tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng đang có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít hạn chế… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 10 diễn ra ngày 14 và 15-11, tại Hà Nội.
Với chủ đề “Đánh giá hiệu quả, tác động của các kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”, một lần nữa hội thảo khẳng định đối thoại phòng chống tham nhũng đang trở thành một kênh quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ những vấn đề quan tâm và định hướng cho hoạt động đấu tranh phòng chống tiêu cực và tham nhũng tại Việt Nam. 9 cuộc đối thoại trước đây đã góp phần không nhỏ tạo chuyển biến về thể chế, chính sách đối với công tác phòng chống tham nhũng nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể.
Ông Cấn Đức Quyết, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nêu rõ trong 5 năm trở lại đây, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả và chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt. Từ công tác tuyên truyền, giáo dục, thay đổi nhận thức và hành động về phòng chống tham nhũng cho tới hoàn thiện thể chế và khuôn khổ pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế về phòng chống tham nhũng.
Trong vòng 5 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố tới 1.406 vụ với 3.035 bị can về các tội tham nhũng, tính trung bình mỗi năm cả nước khởi tố tới 281 vụ án tham nhũng. Trong đó, tính từ ngày 1-10-2010 tới 30-9-2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 220 vụ với 449 bị can liên quan tới tội tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 229 vụ, với 501 bị cáo tham nhũng.
Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng đang từng bước được làm triệt để và bước đầu phát huy tác dụng. Chỉ riêng trong năm 2010 đã có 61 trường hợp là người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm. Còn từ đầu năm 2011 đến nay đã cách chức 11, cảnh cáo 10 và khiển trách 40 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách.
Cùng với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, công tác kê khai tài sản cũng có tiến bộ. Đến nay đã có thêm 135.482 người kê khai lần đầu và 585.441 người kê khai bổ sung. Nhưng mới có 3 trường hợp vi phạm quy định về kê khai tài sản bị xử lý và phê bình 9 cá nhân, người đứng đầu do chậm tổ chức, thực hiện việc kê khai. Để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả thì công tác thanh tra, kiểm toán có vai trò quan trọng.
Trong thời gian qua, thanh tra các cấp đã tiến hành 6.322 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước. Kiểm toán Nhà nước cũng đã thực hiện khoảng 500 cuộc kiểm toán tại nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, qua đó phát hiện sai phạm và thu hồi cho ngân sách tới 77.247 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng chỉ rõ những mặt hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, trong đó nổi lên là tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn yếu. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số vụ việc, vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
NGUYỄN QUỐC
| |