Phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em - những khó khăn

Thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những thành phố công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tại các thành phố lớn hiện nay đã vượt quá con số 10%, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học và ở các quận khu vực trung tâm, nơi đa số các gia đình có thu nhập cao và cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ được cung cấp năng lượng qua ăn uống nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, trong khi đó mức tiêu hao năng lượng lại ít do lối sống ít vận động.
Phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em - những khó khăn

Thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những thành phố công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tại các thành phố lớn hiện nay đã vượt quá con số 10%, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học và ở các quận khu vực trung tâm, nơi đa số các gia đình có thu nhập cao và cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ được cung cấp năng lượng qua ăn uống nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, trong khi đó mức tiêu hao năng lượng lại ít do lối sống ít vận động.

Ảnh hưởng của thừa cân béo phì

- Tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh lý gan mật... Tình trạng trẻ càng nặng cân so với chuẩn, thời gian béo phì càng lâu thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao.
- Trẻ dễ bị chọc ghẹo, chối bỏ bởi bạn bè, dễ bị trầm cảm, hoặc những vấn đề về nhân cách.
- Trẻ béo phì dễ rối loạn giấc ngủ, dễ bị chứng ngừng thở lúc ngủ, hạn chế vận động thể lực.
- Nguy cơ dậy thì sớm hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản về sau cũng như hạn chế chiều cao của trẻ...

Phòng chống thừa cân béo phì - vì sao khó?

Rất nhiều yếu tố khách quan khiến công tác phòng chống thừa cân béo phì gặp không ít khó khăn, trong đó có những quan niệm sai lầm trong nuôi trẻ.

- Quan niệm trẻ “mập” mới khỏe, trẻ phải “tròn tròn, mũm mĩm” mới dễ thương hiện khá phổ biến trong một bộ phận lớn người dân. Nhiều người cho rằng trẻ mập để dành khi đau ốm sút cân là vừa. Vì vậy, cố ép trẻ ăn, không tôn trọng cảm giác no của trẻ, lâu dần dạ dày trẻ lớn dần, tạo cho trẻ thói quen ăn nhiều hơn nhu cầu.

- Các ảnh hưởng của thừa cân béo phì lên sức khỏe của trẻ như kể trên chưa biểu hiện trước mắt nên chưa làm cho bố mẹ, người nuôi trẻ thấy được sự cần thiết phải phòng chống căn bệnh này. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ dù biết con béo phì, nhưng vẫn thấy đó là một lợi thế trong chăm sóc trẻ vì cho rằng trẻ dễ nuôi, dễ ăn uống, ít bệnh vặt... và vẫn muốn con tăng cân thêm nữa.

- Trẻ thừa cân béo phì lại dễ ăn, thích ăn thức ăn béo, thức ăn ngọt, ăn khẩu phần lớn đã thành thói quen và việc thay đổi thói quen ăn uống hoàn toàn không đơn giản.

- Các trò chơi ít vận động như xem ti vi, chơi game lại thu hút trẻ hơn những trò chơi vận động, chưa kể môi trường sống chật hẹp, điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, tham gia thể dục thể thao bị hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến gia tăng thừa cân béo phì cũng như việc phòng chống thừa cân béo phì khó khăn hơn.

Làm gì khi con thừa cân béo phì?

Việc phòng chống thừa cân béo phì có nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là một bệnh có nhiều nguy cơ cho sức khỏe của trẻ nếu không điều chỉnh kịp thời, chính vì vậy phụ huynh cần phải hết sức lưu ý khi trẻ thừa cân béo phì.

- Nên đưa trẻ khám chuyên khoa dinh dưỡng để được kiểm tra, đánh giá toàn diện và được tư vấn chế độ ăn uống, luyện tập giúp trẻ thoát khỏi thừa cân béo phì càng sớm càng tốt.

- Mục tiêu ở trẻ thừa cân béo phì là điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động hợp lý giúp trẻ không tăng cân thêm, nhưng vẫn phải đầy đủ dưỡng chất thiết yếu để trẻ phát triển chiều cao và hoàn thiện các chức năng của cơ thể, không bắt trẻ nhịn ăn để giảm cân vì trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển.

- Cần có sự hợp tác của tất cả thành viên trong gia đình, xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho trẻ, mọi người cùng nhau thực hiện mới có hiệu quả vì chế độ dinh dưỡng vận động cho trẻ thừa cân béo phì không chỉ tốt cho trẻ mà còn tốt cho tất cả mọi người.

- Không nên trêu chọc trẻ, phải củng cố lòng tự trọng của trẻ bằng cách chú ý lắng nghe trẻ nói, chứng tỏ bạn vẫn yêu và chấp nhận mặc dù con béo phì.

- Tổ chức bữa ăn gia đình để trẻ cùng tham gia, giải thích về chế độ ăn của trẻ, người lớn làm gương cho trẻ. Tập cho trẻ ăn chậm, nhai kỹ, kiên nhẫn thay đổi thói quen cho trẻ, không dùng bữa ăn để chỉ trích hoặc la mắng trẻ.

- Không để các thức ăn cám dỗ như kẹo bánh, nước ngọt trong nhà, không dùng thức ăn làm phần thưởng cho trẻ.

- Nên chuẩn bị sẵn những thức ăn ít năng lượng để trẻ ăn khi thấy đói hơn là bắt trẻ nhịn ăn. Chẳng hạn, để sẵn các loại trái cây ít ngọt, các cuốn gỏi nhiều rau, vài củ khoai luộc, ly sương sa, sương sáo không đường hoặc dùng đường ăn kiêng...

- Lên lịch tập luyện những môn thể thao phù hợp với độ tuổi của trẻ, cả gia đình cùng nhau luyện tập hoặc đăng ký cho trẻ tham gia những lớp năng khiếu, những môn thể thao để tạo cho trẻ yêu thích thể thao và duy trì vận động hàng ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, bóng rổ, đạp xe, đu xà đơn, chạy bộ... vừa giúp trẻ tăng tiêu hao năng lượng, giảm lượng mỡ thừa, vừa giúp phát triển chiều cao rất tốt. Nên cho trẻ tập luyện, theo đuổi một môn thể thao để có thể tham gia thường xuyên và trẻ cần luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày mới đạt hiệu quả. Hạn chế cho trẻ chơi các trò ít vận động như xem ti vi, chơi game, đọc truyện... không quá 2 giờ/ngày.

Thừa cân béo phì là một bệnh, mà đã là bệnh thì phải điều trị, chế độ ăn uống và vận động hợp lý là chìa khóa trong công tác điều trị căn bệnh này. Để phòng và điều trị hiệu quả thừa cân béo phì, các bậc cha mẹ cần thay đổi quan niệm về sức khỏe của trẻ, trẻ khỏe là trẻ phát triển cân đối, có chiều cao cân nặng trong giới hạn bình thường theo tuổi, không suy dinh dưỡng cũng không thừa cân béo phì vì cả 2 căn bệnh này đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
 Thành viên HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục