Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn tại TPHCM đã triển khai mô hình phòng khám vệ tinh giúp cho một số bệnh nhân đỡ phải di chuyển khi khám chữa bệnh và góp phần đưa thương hiệu, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên về tuyến dưới, giảm bớt áp lực quá tải ở bệnh viện tuyến trên… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt thì việc triển khai phòng khám vệ tinh vẫn lộ ra những điểm bất cập. Điển hình là việc phần lớn các phòng khám vệ tinh chủ yếu làm dịch vụ theo yêu cầu nên chỉ phục vụ cho những người có tiền còn phần đông đối tượng bảo hiểm y tế thì chưa được thụ hưởng.
Vệ tinh hay dịch vụ?
Giữa tháng 3, cái nóng hầm hập vẫn không ngăn được dòng người đổ về các chuyên khoa vệ tinh do Bệnh viện Mắt TPHCM, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, Viện Tim TPHCM phối hợp triển khai tại BV huyện Nhà Bè.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè, cho biết từ khi 3 bệnh viện này mở phòng khám vệ tinh, số lượng người bệnh đến khám, điều trị gia tăng đáng kể. Phần vì người ta tin tưởng vào tay nghề, thương hiệu của bác sĩ bệnh viện tuyến trên, phần giúp cho bệnh nhân được thuận lợi hơn khi khám và điều trị. Người bệnh không phải di chuyển từ xa vào nội thành và đỡ phải chờ đợi vì quá tải khi tới bệnh viện tuyến trên. Ngoài việc góp phần khám bệnh cho hàng trăm lượt người, mỗi tháng các phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Mắt TPHCM và Bệnh viện Tai - Mũi - Họng còn làm phẫu thuật, thủ thuật cho hàng chục bệnh nhân ngay tại Bệnh viện huyện Nhà Bè, góp phần “chia lửa” cho bệnh viện tuyến trên.
Rõ ràng, không thể phủ nhận việc triển khai phòng khám vệ tinh ở Bệnh viện huyện Nhà Bè đã đem lại nhiều thuận lợi cho người bệnh như bác sĩ Thơ nhận định. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Trước nhất là “hiệu lực” của phòng khám chỉ đáp ứng được nhu cầu khám bệnh nhưng khi phải làm thủ thuật, phẫu thuật như cắt Amiđan, mổ phaco thì bệnh nhân phải đóng tiền, còn không lại vòng lên tuyến trên vì danh mục bảo hiểm y tế chưa chấp nhận chi trả khi phẫu thuật ở tuyến dưới.
Tần ngần trước bảng báo viện phí, chị Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Mẹ tôi bị đục thủy tinh thể, bác sĩ chỉ định mổ phaco. Do mổ phaco không được BHYT chi trả ở tuyến bệnh viện huyện nên nếu mẹ tôi muốn mổ tại chỗ (tại Bệnh viện huyện Nhà Bè do bác sĩ Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện) thì gia đình phải chi trả từ 2-3 triệu đồng (tùy theo loại kính). Còn không phải làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên để phẫu thuật”. Như vậy, chỉ người nào có tiền mới được mổ tại chỗ, còn người không có tiền thì vẫn phải đi lòng vòng, về tuyến trên.
Trong khi phòng khám vệ tinh ở Bệnh viện huyện Nhà Bè áp dụng khám chung cho cả đối tượng có bảo hiểm y tế lẫn yêu cầu thì phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM đặt tại Bệnh viện quận Bình Thạnh lại chỉ khám cho bệnh nhân theo yêu cầu (dịch vụ).
Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đây là giải pháp tình thế nhằm góp phần giảm tải cho cơ sở chính đang quá tải trầm trọng vì bệnh nhân quá đông trong khi cơ sở vật chất quá chật chội. Điều này góp phần tạo thuận lợi hơn cho người bệnh ở các tỉnh có thể được giải quyết nhanh gọn. Tuy nhiên, đến nay phòng khám vệ tinh vẫn chưa đông vì nhiều người bệnh chưa biết cũng như họ chưa thật sự an tâm tin tưởng tuyệt đối vào phòng khám này, dù bác sĩ và điều dưỡng đều do Bệnh viện Ung bướu TPHCM đưa qua.
Theo ban giám đốc một số bệnh viện, nếu không thu phí thì không đủ tiền để cân đối tài chính nhằm chi trả tiền công cho bác sĩ, khấu hao máy móc, điện nước… Bên cạnh đó việc phân hạng bệnh viện, quy định về danh mục, trang thiết bị theo các tuyến chưa phù hợp. Những kỹ thuật cao, thuốc men để bảo hiểm chi trả chưa phù hợp với thực tế.
Phải thực hiện cho... đối tượng bảo hiểm y tế
Trước việc TPHCM sẽ tiếp tục triển khai một số phòng khám, khoa chuyên sâu của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Ung bướu, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tại một số bệnh viện quận huyện như quận 9, quận 12, Bình Chánh, Bình Thạnh…, một chuyên gia y tế cho rằng, việc ra đời phòng khám vệ tinh, bệnh viện vệ tinh là giải pháp tình thế có thể “chia lửa” cho các bệnh viện tuyến trên, chuyển giao công nghệ thương hiệu cho tuyến dưới.
Tuy nhiên, nó chỉ thực sự hiệu quả khi phục vụ cho đại đa số người dân. Tức là những người nghèo, đối tượng bảo hiểm y tế. Bởi phần đông những người ở khu vực ngoại thành là người nghèo và dùng bảo hiểm y tế. Nếu phòng khám vệ tinh chỉ ưu tiên cho đối tượng khá giả thì đa số người bệnh nghèo vẫn phải chuyển viện. Mà như vậy thì hiệu quả giảm tải của phòng khám vệ tinh cũng sẽ thấp đi.
Thử hỏi vì sao Bệnh viện Ung bướu TPHCM vẫn đông nghịt người bệnh, trong khi phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM tại Bệnh viện quận Bình Thạnh lại vắng hoe. Bình quân mỗi ngày chỉ có khoảng 1-3 bệnh nhân tới khám. Vì sao số bệnh nhân đến khám bệnh tại các phòng khám vệ tinh tại bệnh viện Nhà Bè ngày càng đông, nhưng số ca làm thủ thuật, phẫu thuật mỗi tháng ở các phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Nhà Bè vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”? Và mỗi tháng vẫn có hàng chục bệnh nhân từ Nhà Bè vẫn phải vào các bệnh viện nội thành để mổ phaco, cắt Amiđan… Chưa kể đến việc của công thì phải phục vụ cho người dân, mọi người bệnh có nhu cầu đều phải được hưởng thụ, chứ không thể dành riêng cho người bệnh có tiền. Nguồn thu từ phòng khám, bệnh viện vệ tinh chỉ phục vụ cho thiểu số là các bệnh viện, nhân viên y tế và người bệnh có tiền, còn những người bệnh không tiền, theo bảo hiểm y tế thì vẫn cứ phải đến cơ sở chính, phải mất công và vẫn chịu cảnh quá tải.
TIẾN ĐẠT