Dù đã có hiệu lực từ 3 tháng qua (1-1-2011) nhưng Luật Khám chữa bệnh vẫn chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành. Điều này khiến các địa phương bế tắc trong việc cấp mới, gia hạn, thay đổi chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân (gọi tắt là giấy chứng nhận). Ghi nhận của phóng viên hôm qua 25-3 cho thấy, tại Sở Y tế TPHCM còn tồn đọng cả trăm hồ sơ xin cấp mới, gia hạn giấy chứng nhận. Trong khi đó, nhiều phòng mạch tư đành phải đóng cửa để chờ hoặc cố tình hoạt động sai phép.
Chờ và... chờ
Cầm xấp hồ sơ trên tay, bước ra khỏi Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TPHCM, bác sĩ H.N.Quân ngao ngán: “Tôi đến lần này là lần thứ 5 rồi mà rút cục chỉ nhận được một câu gọn lỏn: Về chờ”. Vốn là bác sĩ chuyên khoa nhi, bác sĩ Quân có phòng mạch tư ở quận 10 hoạt động được 5 năm, thăm khám mỗi ngày hàng chục trẻ em. Tuy nhiên, giấy chứng nhận của bác sĩ Quân đã hết hạn từ 31-12-2010 nên phải xin cấp lại. Khi đến Sở Y tế làm thủ tục, bác sĩ Quân được giải thích rằng… chưa có nghị định hướng dẫn.
Tương tự, đã có thâm niên mở phòng mạch tư gần 20 năm nay nhưng bác sĩ T.A.P. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng không khỏi bức xúc vì cứ lén lút hoạt động từ 3 tháng qua. “Giấy phép hết hạn rồi. Xin cấp lại thì chưa được duyệt. Lỡ khi mình đang hoạt động mà thanh tra y tế bắt quả tang, thật là phiền phức”, bác sĩ P. phân trần. Giấy phép hành nghề hết hạn từ tháng 9-2010, bác sĩ P. chạy đôn chạy đáo lên Phòng Y tế quận hỏi xin gia hạn thì chỉ được kéo dài đến 31-12-2010. Đầu tháng 1-2011, ông chạy lên Phòng Y tế xin gia hạn tiếp thì ở đây bảo… chưa có ý kiến cấp trên. Chạy lên Sở Y tế hỏi, bác sĩ P. cũng nhận được câu trả lời tương tự. Còn bác sĩ T.V.Ngọc có phòng mạch ở quận 8, TPHCM than thở: “Họ bảo phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh nên không cho cấp đổi, gia hạn”. Vì vậy từ tháng 1-2011 đến nay, phòng mạch của bác sĩ Ngọc cũng án binh bất động.
Khốn khổ hơn là những bác sĩ xin cấp mới giấy chứng nhận mà không lường trước được những rắc rối. Một bác sĩ ngụ quận 7, TPHCM đang chuẩn bị mở phòng khám tư nhân, lo lắng: “Mặt bằng thuê rồi, máy móc sắm rồi, chỉ còn chờ cấp giấy chứng nhận hành nghề nữa nhưng không biết bao giờ mới được cấp”. Kéo theo đó là những hệ lụy mà vị bác sĩ này phải gánh như tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên vệ sinh, tiền thuê bác sĩ, y tá. Còn ông N.L.K., Giám đốc Công ty Chăm sóc sức khỏe V.E., kể, phòng khám của ông thay đổi địa điểm mới nên phải làm hồ sơ lại. Vậy nhưng, khi nộp hồ sơ, Sở Y tế không nhận cũng với lý do chờ văn bản hướng dẫn. Vì thế, mấy tháng qua, phòng khám không hoạt động vì không có giấy phép. Phòng khám đa khoa H.P. (quận 3, TPHCM) cần thay đổi người đứng tên giấy phép hành nghề nhưng khi làm thủ tục cũng không được, kéo theo 20 bác sĩ và nhân viên công tác trong phòng khám… ngồi chơi xơi nước.
Có hoạt động sai phép?
|
Theo Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân của Bộ Y tế ban hành năm 2003, Chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân; giấy chứng nhận của cơ sở hành nghề y, dược tư nhân do cán bộ, công chức đứng đầu dù cấp hoặc gia hạn ở bất kỳ thời điểm nào đều hết giá trị sử dụng vào ngày 31-12-2010. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh đã ra đời và có hiệu lực vào ngày 1-1-2011 thay thế Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân không đề cập đến việc gia hạn, cấp mới, cấp đổi những loại giấy chứng nhận hành nghề nói trên. Mới đây, Bộ Y tế có công văn cho biết, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã có giấy phép và đang hoạt động vào thời điểm Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực (ngày 1-1-2011) được tiếp tục hoạt động cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám chữa bệnh. Đối với người hành nghề y tư nhân đã có giấy phép và đang hành nghề vào thời điểm Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực, sẽ được tiếp tục hành nghề cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành… Như vậy, tại thời điểm này, hàng ngàn phòng mạch tư và cơ sở y tế tư nhân được “hợp pháp hóa” hoạt động mặc dù giấy phép hành nghề đã hết hạn. Tuy nhiên, không ít bác sĩ và người đứng đầu các cơ sở y tế tư nhân phản ánh, khi thanh tra của các cơ quan chức năng đến làm việc, thấy giấy phép hành nghề hết hạn thì bắt bẻ, đề nghị xử phạt. Có trường hợp được cho là hoạt động “chui”. Điều đáng nói, lỡ trong trường hợp rủi ro xảy ra tử vong mà người nhà bệnh nhân khiếu kiện, pháp luật liệu có bảo vệ chủ cơ sở y tế tư nhân nhất là khi giấy phép hành nghề đã… hết hạn?
Trong khi đó, việc cấp mới giấy chứng nhận đã hoàn toàn tạm dừng từ 1-1-2011. Đến nay, riêng Sở Y tế TPHCM đang tiếp nhận không dưới 100 hồ sơ xin cấp mới. Theo bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân lần đầu xin giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân từ ngày 1-1-2011 sẽ chờ cho đến khi có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám chữa bệnh. Cũng theo bác sĩ Hải, cá nhân, tổ chức đã gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân hết hiệu lực từ 31-12-2010 nhưng chưa được cấp trước ngày 1-1-2011, Sở Y tế hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của Luật Khám chữa bệnh…
NGỌC BẢO-THU HƯƠNG