Phòng ngừa bệnh loãng xương

* Tôi là nữ, năm nay 25 tuổi làm công việc văn phòng, dạo này tôi thấy hay bị nhức mỏi xương khớp, tình cờ đi siêu thị đo mật độ xương thấp, vậy tôi có bị loãng xương không?Lê Thị Hồng A.
Phòng ngừa bệnh loãng xương

* Tôi là nữ, năm nay 25 tuổi làm công việc văn phòng, dạo này tôi thấy hay bị nhức mỏi xương khớp, tình cờ đi siêu thị đo mật độ xương thấp, vậy tôi có bị loãng xương không?
Lê Thị Hồng A.

- Chào bạn! Loãng xương là bệnh lý thường gặp người trên 40 tuổi, hay ở phụ nữ tuổi mãn kinh, vậy khi còn trẻ chúng ta có bị bệnh lý này không?

Bệnh loãng xương vẫn xảy ra ở người trẻ với tỷ lệ thấp, thường đi kèm bệnh lý nội tiết, bệnh lý viêm khớp, bệnh lý tuyến giáp, cận giáp, hoặc do cơ thể kém hấp thu canxi. Bệnh loãng xương sớm cũng hay gặp ở người trẻ áp dụng chế độ ăn kiêng quá mức như kiêng đạm, kiêng mỡ vì sợ mập… thiếu những dưỡng chất này dù bạn có bổ sung nhiều canxi cơ thể cũng không hấp thu được, hoặc chế độ ăn thiếu canxi, thiếu vitamin D kéo dài...

Trong cơ thể, xương là một tế bào sống luôn xảy ra hoạt động liên tục của các tế bào sinh xương và hủy xương. Đang trong tuổi phát triển, quá trình sinh xương sẽ mạnh hơn hủy xương, nhờ vậy trẻ cao lớn mỗi ngày. Khối lượng khoáng chất của bộ xương tăng dần cùng sự phát triển của cơ thể để đạt tới mật độ xương đỉnh cao nhất trong cuộc đời con người vào khoảng 20 - 25 tuổi. Từ sau độ tuổi 25, hoạt động của các tế bào sinh xương và các tế bào hủy xương ở thế cân bằng, giữ cho mật độ xương ổn định.

Sau tuổi 40, nhất là ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh do ảnh hưởng của sự suy giảm nội tiết tố nữ nên các tế bào hủy xương sẽ hoạt động nhiều hơn tế bào sinh xương, làm cho khối lượng khoáng chất của bộ xương giảm dần theo tuổi (hiện tượng sinh lý bình thường). Mật độ xương càng dày, có nghĩa khi còn trẻ bạn cung cấp nhiều nguyên liệu như canxi và khoáng chất để quá trình sinh xương diễn ra mạnh, khung xương càng chắc khỏe thì theo tuổi tác quá trình hủy xương vẫn diễn ra, nhưng sẽ lâu hơn và ngăn ngừa bệnh loãng xương khi bạn về già.

Chẩn đoán loãng xương dựa vào đo mật độ xương và một số xét nghiệm khác, được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đo mật độ xương thấy thấp tại siêu thị là một gợi ý kho dự trữ xương của bạn chưa tốt, nguy cơ loãng xương ở bạn rất cao, bạn cần chú ý chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý hơn. Để tránh những lo âu bạn có thể đến khám tại cơ sở chuyên khoa để xác định chẩn đoán và được tư vấn cụ thể.

* Làm thế nào phòng ngừa được bệnh loãng xương?

- Loãng xương là một bệnh có thể phòng ngừa được.

Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể.

Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ khi bà mẹ từ lúc chuẩn bị mang thai, lúc mang thai và cho con bú để trẻ có đủ canxi ngay từ khi mới bắt đầu hình thành những tế bào đầu tiên.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, kéo dài 18 - 24 tháng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ đạt mức phát triển cơ thể tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú ý những thực phẩm để xương chắc khỏe như protein, chất béo, canxi, magiê, và các vitamin A, D và các vi khoáng chất khác. Thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, trứng, nhất là cá nhỏ nguyên xương, cua đồng, tôm tép nhỏ nguyên vỏ, các loại ốc, hàu, đậu nành, rau quả có màu xanh đậm. Tập thói quen uống sữa mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị, vì canxi trong sữa rất dễ hấp thu, hơn nữa ngoài canxi sữa còn là thực phẩm bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp tăng cường hấp thu canxi vào xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm nguy cơ té ngã và gãy xương. Chú ý vận động ngoài trời giúp tăng cường hấp thu vitamin D.

Hạn chế một số thói quen: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ít vận động…

Phụ nữ tuổi mãn kinh cần chú ý bổ sung đủ canxi, vitamin D, vận động tập thể dục đều đặn.

Cẩn thận với người trẻ có nhiều yếu tố nguy cơ: Dùng corticosteroid kéo dài để điều trị bệnh nền, tiền sử gia đình có gãy xương do loãng xương, nguy cơ té ngã cao... nếu có mật độ xương thấp phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh loãng xương sớm vì đây là bệnh âm thầm không triệu chứng, khi phát hiện để lại hậu quả nặng nề.

BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood

Tin cùng chuyên mục