Phòng ngừa dịch tay chân miệng quay trở lại

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), 2 bệnh nhân tử vong. Mặc dù số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2013, nhưng tại một số tỉnh, TP đã có số mắc tăng như TPHCM tăng 28,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%... Hiện dịch TCM đã vào mùa với số ca mắc ngày một gia tăng và những dấu hiệu cho thấy một đợt cao điểm dịch quay trở lại như đã từng làm 169 trẻ tử vong năm 2011.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết số trẻ mắc TCM ở TP từ đầu năm đến nay đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2013. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM ngay trong những ngày nghỉ, số trẻ mắc TCM được đưa tới điều trị cũng rất đông. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện này cho biết, số trẻ mắc bệnh TCM nhập viện tăng gấp đôi so với tháng trước. Hiện mỗi ngày tại Khoa Nhiễm có khoảng 40 trẻ mắc bệnh TCM nằm điều trị, nhưng chưa ghi nhận có ca biến chứng nào nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, số trẻ mắc TCM nhập viện rải rác từ tháng 3, bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 4. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi đây đang tiếp nhận điều trị 60 trẻ mắc bệnh, trong đó có nhiều ca biến chứng độ 3 - gây viêm não, phải thở máy. Hai tuần qua, số trẻ mắc TCM cũng bắt đầu gia tăng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện, hai tuần qua, nơi đây tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân TCM, trong đó có 3 ca biến chứng nặng.
 
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh TCM hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh nhưng nguy cơ biến chứng nguy hiểm gây viêm não - màng não, viêm cơ tim và phù phổi cấp… gây tử vong nhanh. Do đó, biện pháp hữu hiệu hiện nay vẫn phòng ngừa là chính. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, dấu hiệu của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Việc chăm sóc, điều trị đơn giản nếu không có biến chứng, quan trọng là giữ vệ sinh, tránh lây xung quanh. Những trường hợp nhẹ thì chữa tại nhà; nếu sốt cao trên 39°C, sốt trên 2 ngày, mệt mỏi, li bì, có biểu hiện run, giật... thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay.
 
                                                                                                                              QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục