Phòng ngừa và điều trị bệnh gút

Bệnh gút (gout) là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu.
Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, ăn thức ăn chứa nhiều đạm là một yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh gút, chứ không phải là nguyên nhân chính của bệnh gút. Thậm chí, người gầy nếu mắc rối loạn chuyển hóa của acid uric thì vẫn bị mắc bệnh gút.
Bệnh thường gặp 95% ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30 - 60. Đây được gọi là gút nguyên phát, thường phát hiện khi chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra còn có một số người mắc các rối loạn về gien (nguyên nhân di truyền), gọi là gút thứ phát. 
Phòng ngừa và điều trị bệnh gút ảnh 1
Để phòng ngừa bệnh gút cần tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua… Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên; uống nhiều nước, khoảng 2 - 4 lít/ngày, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu; tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như stress, chấn thương…
Gút là một bệnh lý khớp đáp ứng tốt với điều trị nhưng đòi hỏi phải điều trị liên tục, lâu dài và toàn diện; kết hợp ngay từ đầu giữa điều trị và dự phòng bệnh, đồng thời cần kiểm soát các bệnh kèm theo. Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ sử dụng các thuốc chống viêm như Colchicin, thuốc kháng viêm không steroid, Corticoid, nhóm thuốc ức chế tổng hợp axid uric… 

Tin cùng chuyên mục