Phụ nữ Ảrập chưa có mùa xuân

Năm 2011, một trong những tâm điểm mà truyền thông và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là sự lan rộng của phong trào “Mùa xuân Ảrập”. Xét về khía cạnh chính trị, phong trào ít nhiều đã làm thay đổi cục diện quyền lực của các nước thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Thế nhưng, về khía cạnh xã hội, “Mùa xuân Ảrập” vẫn chưa thể mở ra trang mới cho tương lai phụ nữ như họ luôn khao khát.

Theo New York Times, cô Ben Salah – sinh viên y khoa ở Tunisia cho biết, khi Tổng thống Ben Ali trốn chạy sang Saudi Arabia hồi tháng 1 năm ngoái để thoát khỏi làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ, cô cũng như những phụ nữ xung quanh đều hy vọng đây sẽ là cái kết có hậu cho mình, mở ra một thời kỳ mới, tốt đẹp hơn. Nhưng tình hình không như mong đợi vì sau đó là thời kỳ trỗi dậy của các thế lực Hồi giáo cực đoan và ở một số nơi họ muốn áp dụng luật Hồi giáo khắt khe, cấm tất cả các quyền tự do và bình đẳng dành cho phụ nữ.

Ở Tunisia, nhiều giáo viên bị đe dọa do không mang khăn trùm đầu. Ở Libya, các thế lực lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi giờ đây đang tuyên bố tầm quan trọng của luật Hồi giáo. Ngày tuyên bố Libya “giải phóng”, người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Mustafa Abdel Jalil khẳng định luật Hồi giáo sẽ là nguồn cội chính của pháp luật và một Libya mới sẽ không cho phép luật pháp đi ngược luật Hồi giáo.

Khi “Mùa xuân Ảrập” bùng nổ, đàn ông lẫn phụ nữ Ai Cập đều thể hiện quyết tâm muốn có sự thay đổi nhưng mục tiêu của họ có nhiều điểm khác biệt. Nam giới muốn dân chủ trong chính trị. Phụ nữ ngoài điều đó còn cần sự xóa bỏ những luật lệ khắt khe dành cho phụ nữ, tính gia trưởng, độc tài từ chính những người đàn ông xung quanh mình. Đó là lý do vì sao đảng Tự do và Công lý của lực lượng Anh em Hồi giáo (chiếm 47% trong Quốc hội) ở Ai Cập và đảng Hồi giáo Salafist Al-Nur (chiếm 24%) cương quyết nói không với yêu cầu đề cao nữ quyền. Ở Ai Cập, phụ nữ tham gia biểu tình đã bị quân đội cầm quyền kiểm tra trinh tiết với mục đích làm bẽ mặt họ.

Theo AFP, hàng trăm phụ nữ ở thủ đô Cairo đã đón ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bằng cách xuống đường biểu tình yêu cầu quyền được cùng soạn thảo hiến pháp mới, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập (diễn ra tháng 5 tới). Họ muốn 50% trong số 100 người tham gia soạn thảo hiến pháp là nữ giới. Điều này có vẻ khó được đáp ứng bởi từ khi ông Mubarak bị lật đổ đến nay, tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội Ai Cập đã giảm đáng kể, từ 12% xuống chỉ còn 2% và 64 ghế đại biểu quốc hội dành cho phụ nữ giờ không còn nữa.

Ebtehal al-Khatib, nhà hoạt động nữ quyền ở Kuwait nói: “Khi các nhóm Hồi giáo có được quyền lực trong tay, người đầu tiên bị ảnh hưởng tiêu cực là phụ nữ; các vấn đề của phụ nữ, những mối quan tâm cũng như quyền của họ sẽ bị cất vào tủ”.

Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Abdelwahad Radi cho biết: “Giai đoạn chuyển giao của các quốc gia hầu hết là dịp tốt nhất để cải cách, trao cho phụ nữ thêm quyền lực chính trị nhưng cơ hội này đã bị bỏ qua ở thế giới Ảrập”. Nhiều danh sách xếp hạng phụ nữ có ảnh hưởng, quyền lực nhất thế giới không có tên phụ nữ đến từ thế giới Ảrập nhưng thực sự họ đã trở thành biểu tượng nổi bật trong năm qua. Chính họ vẫn đang phải đối mặt, “chiến đấu” hàng ngày để khẳng định: Phụ nữ dù ở bất cứ đâu cũng cần sự bình đẳng. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục