Vào ngày Phục sinh ở đất nước mệnh danh là “xứ sở chocolate”, các kệ vẫn chất đầy hàng hóa phục vụ cho lễ như thỏ bắn cung, vỏ trứng trang trí, kẹo hạt dẻ… Tuy nhiên, sức mua không còn như xưa. Cô Swannee Vranckx, nhân viên tại cửa hàng gần quảng trường chính Brussels cho biết, bình thường có từ 50 đến 100 khách hàng đến mua hàng vào mỗi buổi chiều những ngày trước lễ Phục sinh. Nhưng sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, sự thanh bình của của thủ đô Bỉ cũng không còn và chỉ có một số ít người tìm đến cửa hàng của cô để mua quà Phục sinh.
Đời sống của những người làm trong ngành công nghiệp du lịch nói chung và ngành chocolate nói riêng đang bị ảnh hưởng khi lượng du khách quốc tế tới Bỉ thưa dần. Tâm lý chung, sau khi xảy ra các vụ khủng bố là vậy, khi ai cũng muốn an toàn và tránh đến những nơi đông người, nhất là những nơi vừa xảy ra khủng bố.
Quan điểm cho rằng, Bỉ - một đất nước trung tâm của châu Âu và chỉ có dân số 11 triệu dân, bị khủng bố là điều gây sốc cho nhiều người dân ngay tại nước này, nhất là khi Bỉ từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi: “Một đất nước thật đáng yêu vì nổi tiếng với chocolate và bia”. Quả thật, người Bỉ xếp hàng đầu thế giới về chocolate khi trung bình mỗi người dân nơi đây tiêu thụ trên 8kg chocolate mỗi năm.
Danh hiệu đất nước chocolate của Bỉ có từ thời Vua Leopold II kiểm soát Congo những năm cuối thế kỷ 19, khi đó, Congo là nguồn cung cấp ca cao (nguyên liệu để chế tạo chocolate) cho Bỉ. Ngày nay, chocolate Bỉ có mặt trên toàn thế giới, trở thành niềm kiêu hãnh của thủ đô Brussels, bên cạnh những di tích nổi tiếng như Grand Place (Quảng trường trung tâm Brussels) - di sản thế giới của UNESCO và là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Bỉ, hay các tòa nhà là trụ sở làm việc của Liên minh châu Âu và NATO.
Năm nay, cũng vì khủng bố, người dân không buồn đi mua sắm mà thay vào đó, một số người gặp nhau thành từng nhóm để tưởng nhớ các nạn nhân của 2 vụ tấn công khủng bố vừa qua. Thiệt hại về ngành du lịch và cả ngành công nghiệp chocolate ước tính sẽ kéo tăng trưởng của Bỉ chậm lại, dự kiến chỉ đạt 1,45% trong năm 2016, giảm so với dự báo trước đó là 1,6%. Hai tháng sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, các khách sạn ở Paris thiệt hại hàng trăm triệu EUR. Các hãng hàng không đã buộc phải ngừng các chuyến bay tới Pháp và số lượng du khách đến Tháp Eiffel giảm đáng kể. Bỉ cũng chịu chung số phận khi là nước láng giềng của Pháp và phải đóng cửa biên giới với Pháp. Vì vậy, 2 vụ tấn công khủng bố ở Brussels như một cú đánh bồi vào thành phố du lịch này. Các thành phố khác như London, Paris, Berlin hay Madrid… cũng có thể bị ảnh hưởng.
Điều đáng mừng là sự suy giảm này có thể chỉ là tạm thời. Vì, sau các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 11-2015 tại Paris, người mua hàng và du khách rồi cũng vượt qua cảm giác lo ngại, cũng trở lại với thói quen mua sắm và du lịch bất chấp nguy cơ khủng bố. Xa hơn nữa, vụ đánh bom ở thành phố London tháng 7-2005 cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế nhưng sau đó không lâu, du lịch của thành phố này lại phục hồi và tăng trưởng lại.
KHÁNH MINH