Phương pháp mới chữa gãy xương vùng mấu chuyển

Phương pháp mới chữa gãy xương vùng mấu chuyển

Đối với người lớn tuổi, cùng với yếu tố loãng xương thì gãy xương vùng khớp háng (gãy cổ xương đùi và vùng mấu chuyển) rất dễ xảy ra sau chấn thương nhẹ, thường gặp nhất là té đập mông do trượt chân trong nhà vệ sinh. Các đối tượng bệnh nhân này thường có nhiều yếu tố bệnh lý và nguy cơ kèm theo nếu nằm lâu, như bị thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, nhiễm trùng tiểu, loét lưng do tì đè…

Khác với gãy cổ xương đùi cần phải thay khớp (để giúp người bệnh có thể ngồi dậy, chống chân đi lại sớm), gãy xương vùng liên mấu chuyển rất dễ lành nếu được phẫu thuật nắn chỉnh đúng và cố định xương vững chắc. Đến thời điểm hiện tại, đa số các bệnh viện ở Việt Nam vẫn dùng dụng cụ cố định cũ gọi là vít trượt cho loại gãy xương này. Sau mổ, người bệnh vẫn phải nằm tại giường, có thể ngồi dậy nhẹ nhàng, đi không dám chống chân, đau khoảng 3 tháng chờ xương lành.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, để điều trị cho bệnh nhân bị gãy xương vùng quanh mấu chuyển, Khoa Chấn thương chỉnh hình đã sử dụng đinh nội tủy – là loại dụng cụ mới giúp cố định xương vững chắc hơn, kỹ thuật mổ cũng đơn giản hơn nên rút ngắn thời gian phẫu thuật. Theo khuyến cáo của AO (tổ chức chuyên về kết hợp xương hàng đầu thế giới), đối với các loại gãy xương vùng quanh mấu chuyển, sau khi được cố định bằng loại đinh này có thể chống chân được ngay, tùy theo sức chịu đựng của người bệnh. Hơn nữa, quá trình mổ không mở ổ gãy nên giúp xương gãy nhanh lành hơn, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ NGUYỄN HUY TOÀN
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Tin cùng chuyên mục